Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Lễ hội ngày Tết: Hội Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội)

Hội Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội)Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, thuộc địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ). Ngày mồng 6 tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.


Phần lễ tại Lễ hội chùa Hương bao gồm gần như là cả một tổng thể tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam: có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Những tính chất tôn giáo có phần bị tình yêu thiên nhiên, tinh yêu nam nữ, tình cảm cộng đồng… tràn đầy chất thẩm mỹ vừa thanh cao, rất trần tục lấn đi.

Trẩy hội chùa Hương vì vậy cả tâm hồn và thể xác đều được đắm sâu vào trong mây ngàn cỏ nội. Ngày hội, làng tổ chức rước thần từ đền ra đình. Cờ trống đi trước dàn nhạc bát âm kế theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Không khí ấy làm tâm linh mọi người sảng khoái.

Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều  khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.Trong suốt những ngày hội là sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, là sự thành kính của các bậc cao niên, là sự hoan hỷ mà nam phụ lão ai ai cũng có phần riêng của mình. Cả ở những triền núi thấp cao, những rừng cây, rừng mơ… là những đoàn người trẩy hội. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống bồng bềnh vào những đám mây nhẹ. Họ gặp nhau, quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng một lời chào: "Nam mô a di đà Phật" nhẹ nhàng. đằm thắm và ấm áp…

Du khách đến chùa Hương sẽ có dịp được chứng kiến và may mắn tham dự vào không khí sinh hoạt văn hóa của lễ hội. Cảm nhận tinh thần thiên nhiên của ngày hội lịch sử ấy để từ đó hồi âm về quá khứ của tổ tiên ở một làng quê ven chân núi.Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.

Trẩy hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động… Và dường như đất - trời, sông núi đẹp hơn nhờ tài sáng tạo hình tượng - trí tưởng tượng này lòng nhân ái của con người.Quan niệm lưỡng hợp biểu hiện ở thế đối ứng hai hiện tượng, hai phạm trù khác nhau mà bên nhau, làm cho cuộc hành trình về nơi thờ Phật dù có lúc vất vả nhưng vẫn đem lại sự cân bằng trong tâm thức và thể lực cho du khách.Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.

UBND Huyện Mỹ Đức cho biết, Lễ hội chùa Hương năm 2013 sẽ được tổ chức hoành tráng nhất từ trước đến nay, là lễ hội mở màn của Hà Nội trong năm mới, hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2013 với chủ đề  “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt” 

Lễ hội ngày Tết: Hội Đền An Dương Vương (Đền Cổ Loa, Đông Anh - Hà Nội)

Đền thờ An Dương Vương toạ lạc trên mảnh đất thuộc làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 17 km nằm trên quốc lộ Hà Nội đi Phúc Yên. Đền nằm trong vị trí khu Thành Cổ, bao gồm một cụm các di tích: Đình Ngự Triều Di Quy, tương truyền đây là nơi ngự triều của vua Thục; Am Bà Chúa - nơi thờ công chúa Mỵ Châu, con gái vua Thục. Trong am vẫn còn pho tượng đá cụt đầu, dấu tích của nỗi lòng oan khiên hận tình nợ nước của nàng công chúa vì nhẹ dạ mà mắc mưu kẻ địch để nỗi nước mất nhà tan.

Lễ hội mở đầu bằng đám rước Văn Chỉ và kiệu Thành hoàng các xóm sáng mồng 6 tháng Giêng sang đền thờ Vua chủ. Đền Thượng sẽ là nơi cử hành tế lễ, sân đền có cắm cờ ngũ sắc và bày các khí tự: đôi ngựa hồng, ngựa bạch hai bên tả hữu, chính giữa là hương án có bày đồ lễ, hộp kính đựng hia vàng và các đồ ngũ sự cùng với các khí giới của nhà vua.Đám rước xong cũng là lúc dân làng tham dự hội với những trò vui cổ truyền: đánh đu, đáo, đĩa, các cụ thì chơi tổ tôm, cờ bỏi... Hội cứ thế kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tạ trời đất và đóng đám.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Chọn tuổi xông đất Tết Giáp Ngọ - Xông đất đầu năm 2014

Theo phong tục cổ truyền Tết Nguyên Đán sáng sớm mùng một là phải có khách đến xông đất, xông nhà. Việc chọn tuổi, chọn người xông nhà rất quan trọng

- Theo phong tục cổ truyền Tết Nguyên Đán bắt đầu từ giao thừa, ông bà thường khuyên con cháu kể từ giờ phút này nên vui vẻ với nhau, không nên cải cọ, không làm vở chén bát.
- Còn ông bà, cha mẹ lo lễ cúng giao thừa, làm lễ cúng đưa tiễn các vị hành khiến năm cũ và đón rước các vị hành khiến năm mới ở ngoài sân, và trong nhà thì cúng ông bà tổ tiên.
- Sau đó là cùng nhau ăn uống vui vẻ, chúc Tết lẫn nhau, kể cả lì xì đầu năm cho nhau để chúc may mắn cho từng thành viên trong gia đình.
- Sáng mùng một Tết thì các thư sinh chọn giờ Hoàng đạo để khai bút đầu năm với văn hay chữ tốt để lấy hên đầu năm, hoặc cùng cả nhà chờ đón vị khách đầu tiên đến xông đất, xông nhà.
- Vị khách đặc biệt này có thể là ngẫu nhiên, có thể là đã được gia đình sắp xếp chọn trước Tết , để sáng sớm mùng một có nhiệm vụ là phải đến để xông đất, xông nhà.

Thông thường vị khách này đã được chọn tuổi hợp với chủ nhà như sau:
1 - Chủ nhà tuổi Tý: Thì chọn người tuổi Thân, Thìn (Tam hợp), Tuổi Sửu (Nhị hợp).
2 - Chủ nhà tuổi Sửu : Thì chọn tuổi Tỵ, Dậu, Tý.
3 - Chủ nhà tuổi Dần : Thì chọn tuổi Ngọ, Tuất, Hợi.
4 - Chủ nhà tuổi Mẹo : Thì chọn tuổi Mùi, Hợi, Tuất.
5 - Chủ nhà tuổi Thìn : Thì chọn tuổi Tý, Thân, Dậu.
6 - Chủ nhà tuổi Tỵ: Thì chọn tuổi Sửu, Dậu, Thân.
7 - Chủ nhà tuổi Ngọ : Thì chọn tuổi Dần, Tuất, Mùi.
8 - Chủ nhà tuổi Mùi : Thì chọn tuổi Mẹo, Hợi, Ngọ.
9 - Chủ nhà tuổi Thân : Thì chọn tuổi Tý, Thìn, Tỵ.
10 - Chủ nhà tuổi Dậu : Thì chọn tuổi Sửu, Tỵ, Thìn.
11 - Chủ nhà tuổi Tuất : Thì chọn tuổi Dần, Ngọ, Mẹo.
12 - Chủ nhà tuổi Hợi : Thì chọn tuổi Mẹo, Mùi, Dần.

Hoặc cách chọn tuổi xông đất, xông nhà theo Thiên Can như sau:
1. Tuổi Giáp hạp với Kỷ mà kỵ với Canh.
2. Tuổi Ất hạp với Canh mà kỵ với Tân.
3. Tuổi Bính hạp với Tân mà kỵ với Nhâm.
4. Tuổi Đinh hạp với Nhâm mà kỵ với Quý.
5. Tuổi Mậu hạp với Quý mà kỵ với Giáp.
6. Tuổi Kỷ hạp với Giáp mà kỵ với Ất.
7. Tuổi Canh hạp với Ất mà kỵ với Bính.
8. Tuổi Tân hạp với Bính mà kỵ với Đinh.
9. Tuổi Nhâm hạp với Đinh mà kỵ với Mậu.
10. Tuổi Quý hạp với Mậu mà kỵ với Kỷ.

(Nếu chọn được Thiên Can hạp và Tuổi hạp lại càng thêm tốt. Nếu chọn Thiên Can hạp, nhưng lưu ý Tuổi xung: Tý - Ngọ xung, Mẹo - Dậu xung, Thìn - Tuất xung, Sửu - Mùi xung, Dần - Thân xung, Tỵ - Hợi xung, thì cũng nên tránh).
 
Chọn tuổi xông nhà Tết giáp ngọ theo thiên can
Hoặc chọn theo mệnh:
Chủ nhà mệnh Kim nên chọn người mệnh Thổ, Thuỷ, Kim.
Chủ nhà mệnh Mộc nên chọn người mệnh Thuỷ, Hoả, Mộc.
Chủ nhà mệnh Thuỷ nên chọn người mệnh Kim, Mộc, Thuỷ.
Chủ nhà mệnh Hoả nên chọn người mệnh Mộc, Thổ, Hoả.
Chủ nhà mệnh Thổ nên chọn người mệnh Hoả, Kim, Thổ.

(Nếu chọn được mệnh hạp, nhưng lưu ý Tuổi xung: Tý - Ngọ xung, Mẹo - Dậu xung, Thìn - Tuất xung, Sửu - Mùi xung, Dần - Thân xung, Tỵ - Hợi xung, thì cũng nên tránh).
 
Hoặc chọn theo trạch lưu niên:
Năm nay người 19 - 28 - 37 - 46 - 55 - 64 - 73 được trạch Phúc, tốt
Năm nay người 20 - 29 - 38 - 47 - 56 - 65 - 74 được trạch Đức, tốt
Năm nay người 17 - 26 - 35 - 44 - 53 - 62 - 71 đượctrạch Bảo, tốt
Năm nay người 18 - 27 - 36 - 45 - 54 - 63 - 72 được trạch Lộc, tốt
Những tuổi còn lại là trạch : Bại, Hư, Khốc, Quỷ, Tử đều xấu.

(Nếu chọn được người có tuổi trạch tốt, nhưng lưu ý Tuổi xung: Tý - Ngọ xung, Mẹo - Dậu xung, Thìn - Tuất xung, Sửu - Mùi xung, Dần - Thân xung, Tỵ - Hợi xung, thì cũng nên tránh).

Tuy nhiên không phải lúc nào gia chủ cũng nhờ được người hợp tuổi với mình đến để xông đất, nên đa số gia chủ áp dụng kinh nghiệm dân gian là chọn người tốt vía hay còn gọi là nhẹ vía, có nghĩa là người đó trong cuộc sống có tính tình dể chịu, vui vẻ, nhiệt tình may mắn v.v…đến xông đất vào sáng sớm mùng một Tết.
Tất nhiên vị khách được “Đặt cọc” này phải chuẩn bị phong bao màu đỏ để đến xông đất và “nhập tài” cho gia chủ, để gia chủ lấy hên đầu năm mới. Và gia chủ sau đó phải đáp lễ với vị khách này cũng như vậy và cùng chúc nhau những điều tốt đẹp.

Ý nghĩa tục Lì Xì ngày Tết

Quanh chuyện "lì xì" ngày Tết bằng tiền và bằng... chữ! Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Vậy hai tiếng "lì xì" ở đâu ra? Nguồn gốc của nó thế nào? Chúng tôi lân la "tầm nguyên" qua các nhà nghiên cứu, hỏi trực tiếp bằng miệng có, giở sách vở các vị có, thấy giải thích hai chữ "lì xì" tựu trung là "tiền mừng tuổi".

Cuốn từ điển thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học chẳng hạn, mục từ lì xì giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Theo một số vị mà chúng tôi hỏi chuyện, như cụ Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Đan Quế, thì tục mừng tuổi vẫn cứ nên giữ. Nhà nghiên cứu Thông Hội bảo: "Đó là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới, đẹp như cổ tích". Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả Dư âm, cứ nên lì xì "miễn là đừng lì xì tiền đô cho trẻ, không đúng chỗ, mà tập hư cho chúng ăn xài". Vũ sư Hoài Nhơn (Trần Trinh Nhơn), con trai lớn của công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy), thì kể rằng: "Ba tôi mất ngày 21 tháng chạp năm Quý Sửu 1973 ở Sài Gòn. Đầu năm đó, ăn cái Tết cuối cùng, ông còn lì xì tôi mặc dầu tôi đã 27 tuổi. Tôi vẫn không quên cái phong bì màu đỏ ấm áp, biểu lộ tình cảm của một người cha lúc nào cũng nhìn xuống con mình như thời còn nhỏ tại Bạc Liêu". Nhà nghiên cứu Cao Sơn giải thích: - Lì xì tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "Lê - i - xị", chỉ số tiền được cho, tặng trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa, chứ không bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán.

Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là "tiền mừng tuổi". Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Qua giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Không chỉ lạy suông, cũng không thể muốn lạy mấy lạy thì lạy, mà theo nhà văn Toan Ánh, chỉ lạy... hai lạy rưỡi. Lạy xong con cháu phải biết "thơm thảo" với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng: Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là "tiền mở hàng". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Thậm chí không có một cắc bạc mà chỉ có... chữ. Chữ viết rõ to, đậm nét để "làm quà" mừng tuổi như chuyện dưới đây.

Xưa, có một nhà nọ, nghèo quá, sinh ba đứa con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì. Chiều ba mươi, ông nghĩ ra một cách, lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì, bề ngoài trông thẳng thớm tươi tắn đỏ thắm như các phong lì xì khác. Nhưng bên trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 miếng giấy được ông viết 3 chữ nắn nót: Phước - Lộc - Thọ. Qua sáng mùng một, người cha gọi 3 đứa con trai đến trước bàn thờ, xoa đầu chúng, tươi cười mừng tuổi chúng bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng, sau khi đã giải thích Phước là gì, Lộc là gì, Thọ là gì... Qua Tết, bước vào năm mới, chẳng ngờ nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thoắt cái, lại tới ba mươi tháng chạp. Ý chừng nhớ lại Tết xưa nghèo thiếu, đạm bạc, ông định bụng sẽ tái diễn cách "lì xì" bằng chữ để ba đứa "Phước Lộc Thọ" đừng bao giờ quên rằng, chúng đã được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách gần đây. Ai đời, khi nhận phong bì xong, ba đứa con bóc ra, mỗi đứa đều thấy vỏn vẹn chữ Phước, còn hai chữ Lộc Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bốn cha con đang phân vân, bỗng một người từ đâu đến bảo: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phước, lộc, thọ, vì có phước mới hưởng được lộc, mới thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ phước để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một lần nữa vì chữ phước cũng biến mất luôn, trên mặt giấy trống trơn, trắng toát.


Bấy giờ vị thần thứ hai hiện ra kể cho bốn cha con nghe một chuyện mừng tuổi xa xưa. Đó là câu chuyện nổi tiếng khắp châu Á, loan truyền qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến cả lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, về một người cầu phước được phước, trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Ông ta quên những điều tốt đẹp, những ban phát ngọt ngào, rộng lượng mà mình đã làm ở tiền kiếp, vì vậy một mực thâu góp vàng ngọc về riêng mình, trong kiếp này, bỏ vào chiếc hũ, đem chôn ở một vị trí bí mật trong nhà không cho ai hay. Ngay cả con trai của ông cũng không được biết nơi cất giấu. Về già, ông ngã bệnh. Khi chết, linh hồn ông bị hũ vàng ám ảnh, đã quay lại nhà cũ, tìm cách chui vào xác chết cứng lạnh của mình, nhưng bất lực. Thấy vậy, một con chó gần nhà có linh tính đã nhường thể xác hèn mọn của mình cho kẻ giàu có kia trú vào, rồi bay lên không trung thoáng đãng. Còn ông nhà giàu thay thế làm chủ thể xác của con vật bốn chân, thỏa mãn được "sống" lại, dầu với tấm thân thuộc hàng súc sinh như chó. Con chó đó lạ thay suốt ngày không đi đâu cả, cứ nằm lì trước hiên. Mà chỉ nằm ở một nơi nhất định sát cửa ra vào. Hễ người con (bây giờ đã là chủ nhà) đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Các phước quả mà nó hưởng là hũ vàng ngọc, giờ đây trở thành điều vô phước cột chặt nó vào tham si. Ngày nọ, một đại sư ngang qua, nói với đứa con: "Này anh kia, anh có biết con chó đó là ai không?". "Dạ thưa không". "Ta nói cho biết, nó chính là cha của ngươi. Vì sao nó nằm lì suốt ngày đêm ở khoảnh đất sát cửa đó? Ấy là vì nó luyến tiếc của cải chôn dưới đất. Hãy đào lên". Người con lấy làm lạ, cho đào thử chỗ con chó thường nằm, thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Bị rúng động vì việc này, người con tỉnh ngộ, từ chối sở hữu số vàng, rời nhà theo vị đại sư lên núi, về sau trở thành một trong những vị tổ đầu tiên của lịch sử Thiền tông. Vị này tỉnh ngộ rằng: nếu làm phước, được phước mà thiếu huệ tức trí huệ sẽ trở nên nguy hiểm ngu si như con chó kia vậy. Được phước, thiếu huệ, thì như nằm trên đống vàng, đống ngọc mà vẫn khổ đau, thiếu thốn, phiền bực. Kể xong, vị thần bảo: "Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ phước trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nó chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu sinh đôi cùng huệ, bằng không chỉ là động lực cho những cuộc thăng trầm bất tận. Giờ đây ngươi hãy nhìn xem".

Bốn cha con thấy trên bao lì xì hiện lên hai chữ Phước Huệ. Hai chữ này để mừng tuổi cho mọi tâm hồn đã đi qua mùa đông để mở đầu một năm mới thăng hoa. 

Tết Giáp Ngọ - Công viên chức được nghỉ 9 ngày


Các thành viên Chính phủ đã tán thành với đề xuất nghỉ Tết 9 ngày của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Thời gian nghỉ kéo dài từ 28/1 đến hết 5/2/2014 (28 tháng Chạp đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ).

Phát biểu tại phiên họp ngày 2/12, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho hay, với lịch nghỉ được bố trí như hiện nay thì trước Tết chỉ được nghỉ ngày 30, sau Tết lại nghỉ dài dẫn đến áp lực giao thông rất căng thẳng, tai nạn giao thông vì thế tăng cao. Ngoài ra, việc bố trí lịch theo kiểu mất cân đối như vậy cũng gây khó cho người lao động trong khi công chức, viên chức thì cắt xén thời gian làm việc đi sắm Tết.

Ông Thăng đề nghị điều chỉnh lịch nghỉ theo hướng tăng thêm 2 ngày nghỉ trước Tết, từ 28 tháng Chạp cho đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng (ngày 28/1 đến hết 5/2). Hai ngày nghỉ thêm sẽ được bố trí làm bù ngay trước Tết - vào thứ 7, chủ nhật (25-26/1).

"Bố trí lịch nghỉ như vậy cũng có tác dụng kích cầu, người dân có thời gian mua sắm", Bộ trưởng Thăng nói. Năm ngoái, lịch nghỉ Tết Âm lịch cũng kéo dài 9 ngày, từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 8 Tết.

Đề xuất của Bộ trưởng Giao thông được Bộ trưởng Lao động Phạm Thị Hải Chuyền và tất cả thành viên Chính phủ tán đồng.

Tuy nhiên, về thời gian làm bù, bà Chuyền lưu ý, không thể bố trí vào cả 2 ngày 25 và 26/1 vì như thế sẽ có 8 ngày trước Tết làm việc liên tục. "Việc này là vi phạm Luật Lao động", bà Chuyền nói và đưa ra phương án chỉ làm bù vào ngày thứ 7 (25/1), sau đó bố trí một ngày làm bù khác vào thứ 7 ngay sau Tết.

Phương án của Bộ trưởng Lao động được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tránh để việc nghỉ Tết ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác nước ngoài.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Tục tảo mộ trước Tết

Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp là nhiều gia đình người Việt đi tảo mộ. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình, và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó.

Để tưởng nhớ người đã khuất, những người còn sống mỗi năm đều cúng giỗ. Và vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người ta còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình.

Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.

Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất.

Tục tảo mộ cuối năm, ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét.

Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Ca dao xưa cũng có câu:

“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”

Đối với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê.

Nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, khi sắp đến Tết Nguyên đán, người thành thị cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận.

Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình.

Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.

Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương, và nếp sống của mỗi gia đình.

Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.

Lên kế hoạch cho ngày tết

Những ngày cuối năm càng tới gần chúng ta càng dễ bị stress tấn công hơn. Ở công sở, chúng ta phải làm các việc tổng kết, tổ chức hoặc là tham gia các hoạt động tập thể như tiệc liên hoan. Ở nhà là một danh sách dài bao gồm việc mua sắm, kê dọn nhà cửa, mua và trưng hoa kiểng, nấu ăn… Nếu không chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ bị stress đánh bại. Những người xung quanh chúng ta cũng sẽ không được vui vẻ. Dịp lễ tết của chúng ta và gia đình vì vậy sẽ không được mĩ mãn.

Lập kế hoạch cho tốtBố mẹ tôi thường dành một bữa ngồi với nhau để lên danh sách những việc cần làm, thứ cần mua sắm… cho kì nghỉ lễ tết từ trước đó 1 tháng rưỡi, 2 tháng hoặc hơn. Danh sách này sẽ được đưa cho những thành viên khác trong gia đình đóng góp ý kiến. Sau đó là phân công công việc. Tới gần dịp lễ, danh sách sẽ được rà soát vài lần nữa để điều chỉnh cho sát thực tế. Cách làm này giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn, không bỏ sót, không chồng chéo.

Tìm cách giải phóng sức lao độngTrước đây, tất cả việc lớn nhỏ trong quá trình chuẩn bị cho ngày lễ tết đều do mọi người trong gia đình tự làm. Tuy có thể chủ động về thời gian, tiết kiệm được chút tiền, nhưng rất là mệt mỏi. Kết quả đôi khi cũng không được như ý vì vấp phải những việc không phải sở trường. Sau này, bố mẹ tôi quyết định thuê dịch vụ bên ngoài trong một số việc như sơn sửa nội thất, tổng vệ sinh cuối năm, nấu các món ăn cầu kì… Nếu lập kế hoạch sớm, tìm hiểu sớm và đặt trước sớm thì sẽ lựa chọn được dịch vụ có chất lượng.

Xác định rằng mọi thứ không cần quá hoàn hảoNhững bài viết, tranh ảnh trên sách báo hay những phóng sự trên truyền hình về cách đón lễ tết “chuẩn mực” đôi khi có ảnh hưởng tiêu cực tới cách nghĩ của chúng ta. Chúng sẽ làm cho chúng ta có cảm giác không thỏa mãn và tự hỏi sao lễ tết ở nhà mình không được hoàn hảo như trong sách báo, phim ảnh. Nhưng một người thân có kinh nghiệm trong ngành truyền thông trong gia đình tôi đã tiết lộ rằng những thứ trông tuyệt hảo ấy đều được biên tập, chỉnh sửa hết. Ở gia đình tôi, một sự thật được rút ra là mọi người vẫn vui khi bắt gặp một lỗi nhỏ trong ngày lễ tết như vết ố trên khăn bàn, nhưng sẽ không vui nổi nếu thấy thái độ bứt rứt, bực bội của mẹ tôi chỉ vì một lỗi nhỏ.

Tóm lại, lễ tết đúng là những dịp rất có ý nghĩa, nhưng điều làm nên ý nghĩa của lễ tết chính là suy nghĩ của chúng ta chứ không phải là những thứ thuộc về vật chất hay nghi thức xã giao. Nếu chỉ coi lễ tết là dịp nghỉ ngơi, chia sẻ tình cảm thì chúng ta sẽ không tự tạo áp lực cho chúng ta trong việc chuẩn bị, tránh được những cuộc tấn công của stress.