Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Chúc Tết, mừng tuổi, xuất hành, hái lộc và xông đất đầu năm

Chúc Tết và mừng tuổiSáng sớm mồng một Tết hay ngày “Chính đán”, mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng và mừng tuổi lẫn nhau.

Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người tự nhiên tăng lên một tuổi. Bởi vậy ngày mồng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên; và người lớn thì “mừng tuổi” trẻ em một cách cụ thể bằng những đồng tiền mới bỏ trong những “phong bao”.

Tục này ở Việt Nam quen gọi là “lì xì”. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là “Tiền mở hàng”. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Về chúc Tết, trong ba ngày Tết, những thân bằng quyến thuộc hoặc nhữngngười phải chịu ơn người khác thường phải đi chúc Tết và mừng tuổi gia chủ; sau đó xin lễ ở bàn thờ Tổ tiên của gia chủ.

Tục này ngày nay ít còn, vì thì giờ eo hẹp, đường sá xa xôi cho nên đã được thay thế bằng những tấm thiệp “Chúc Mừng Năm mới” hay “Cung Chúc Tân Xuân”.

Xuất hành và hái lộc

Đầu năm mới, người Việt Nam còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần…

Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu.

Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt Nam còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”.

Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành xi, cây xương rồng… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên.

Xông đất

Với ngày đầu tiên trong năm còn gọi là Nguyên Đán, Tết đã có một ý nghĩa dặc biệt trang nghiêm. Vì ngày đó bắt đầu một năm nên mọi công việc làm trong khoảng 24 tiếng đồng hồ đều có ảnh hưởng trọn năm.

Sự xông đất, xuất hành những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điều mà ai cũng phải cẩn ngôn cẩn trọng. Trong tất cả mọi việc có tục xông đất được coi là quan trọng hơn hết.

Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả do sự may mắn đưa đến!

Do đó, mọi người đã cân nhắc kỹ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về tính tình, hạn vận khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm là hệ trọng hơn cả.

Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đến việc làm ăn cho cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến đầu tiên trong ngày Nguyên Đán để long trọng mang lại giúp họ sự tốt lành suốt năm mới.

Mặc dù đã tính toán như vậy, vẫn có người khách bất ngờ đột xuất đến xông đất trước sự ngạc nhiên của cả gia đình và làm xáo trộn những toan tính không thể thực hiện được một cách chính xác như ý mong muốn.

Tuy nhiên để đề phòng những sự kiện này xảy đến, trong buổi sáng tinh mơ các cửa ngõ đều đóng chặt và chỉ mở khi nào người được chọn tới xông đất mà thôi.

Như thế đủ chứng tỏ rằng cổ lệ xông đất ngày Tết được mọi người coi là quan trọng nhất trong một năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét