Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Xe Tết 2014: Khách không tăng vẫn tăng 60% giá vé

Dự báo kinh tế khó khăn, hành khách ít đi lại và các loại hình vận tải khác tăng chuyến nên lượng khách đến bến xe dịp Tết năm nay không tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, như thường lệ, hành khách đi lại ngày Tết vẫn bị phụ thu đến 60% giá vé.

Không lo thiếu xeTheo kế hoạch phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 tại Bến xe Miền Đông (TPHCM), dự báo lượng hành khách đến bến trong dịp Tết năm nay có thể không tăng so với cùng kỳ năm trước nên không lo thiếu xe phục vụ người dân về quê ăn Tết. Nguyên nhân là tình hình lạm phát, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nên cũng có thể ảnh hưởng đến sự đi lại của hành khách.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông, 1 nguyên nhân khác khiến lượng khách đến bến không tăng là do sự cạnh tranh gay gắt của ngành hàng không. Ông cho biết: “Vận tải đường không tăng chuyến rất lớn, điển hình như Vietnam Airlines tăng hơn 800 chuyến bay từ ngày 19/1 đến 16/2/2014 đồng thời cũng sẽ bay đêm dịp trước Tết và sau Tết. Ngoài ra, một hãng bay nữa là VietJetAir đã ký kết mua và thuê 100 chiếc Airbus”.

Tuy lượng khách trung bình không tăng nhưng dự báo khách đi lại chủ yếu vào các ngày 24 , 25, 26, 27 và 28 tháng Chạp nên sẽ xảy ra tăng đột biến cục bộ trong 1 số thời điểm. Ngoài ra, vào các thời điểm điều chỉnh mức phụ thu giá vé thì các xe trên tuyến có thể sẽ tìm cớ tránh không hoạt động để chạy vào ngày hôm sau (có mức phụ thu cao hơn), đồng thời khách tập trung đi do giá cước chưa phụ thu dẫn đến tình trạng ứ đọng cục bộ. Trong những ngày cao điểm, lượt hành khách xuất bến có thể chỉ đạt 45.000 lượt/ngày. Để đối phó với tình trạng tăng khách đột biến trong 1 số thời điểm trên, bến xe Miền Đông cũng đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải sẵn sàng hỗ trợ điều động xe buýt để tăng cường giải tỏa khách khi bến xe có nhu cầu.

Các tuyến có lượng hành khách tăng cao trong dịp Tết 2014 là các tuyến về Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Đông Hà, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk. Đặc biệt, các tuyến về Quảng Ngãi, Bình Định sẽ cần tăng cường nhiều xe do số lượng xe đăng ký tham gia hoạt động hàng ngày tại bến giảm nhiều trong khi nhu cầu đi lại khu vực này tăng đột biến trong dịp Tết.

Phụ thu 60% giá véTuy lượng khách không tăng so vói năm trước, lượng xe trong bến đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách nhưng với lý do bù lỗ chiều xe chạy rỗng, ngành vận tải vẫn đề nghị phụ thu giá vé trong dịp cao điểm Tết. Mức phụ thu từ 20 – 60% giá vé tùy tuyến và thời điểm.

Cụ thể, các tuyến từ Huế trở ra các tỉnh phía Bắc sẽ phụ thu 20% từ ngày 15 tháng Chạp đến hết ngày 17 tháng Chạp và mùng 1 đến hết mùng 3 Tết; Phụ thu 40% từ ngày 18 tháng Chạp đến hết ngày 23 tháng Chạp; Phụ thu 60% từ ngày 24 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp.

Các tuyến từ Ninh Thuận ra đến Quảng Nam, Đà Nẵng và các tuyến thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum sẽ phụ thu 20% từ ngày 17 tháng Chạp đến hết ngày 20 tháng Chạp và từ mùng 1 đến hết mùng 3 Tết; Phụ thu 40% từ ngày 21 tháng Chạp đến hết ngày 23 tháng Chạp; Phụ thu 60% từ ngày 24 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp.

Các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng sẽ phụ thu 20% từ 20 tháng Chạp đến hết ngày 23 tháng Chạp và từ mùng 1 đến hết mùng 3 Tết; Phụ thu 60% từ ngày 24 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp. Các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phụ thu 40% từ ngày 26 tháng Chạp đến hết mùng 6 Tết. Các tuyến thuộc tỉnh Đồng Nai sẽ phụ thu 40% từ ngày 26 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết. Các tuyến về miền Tây sẽ phụ thu 40% từ ngày 26 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết.

Bến xe Miền Đông cũng dự kiến sẽ bán trước vé xe cho hành khách đi lại từ ngày 26 tháng Chạp đến ngày 28 tháng Chạp (của xe tăng cường, xe ủy thác bến bán vé) từ ngày 1 tháng Chạp cho đến hết ngày 26 tháng Chạp. Thời gian bán vé là từ 7h30 – 17h hàng ngày tại quầy vé số 13 và 14 của bến xe Miền Đông.

Từ ngày 1/10, TP.HCM bắt đầu bán vé tàu tết 2014

Bắt đầu từ ngày 1/10 sắp tới, ga Sài Gòn sẽ bắt đầu bán vé tàu tết Giáp Ngọ 2014 cho các tập thể muốn mua vé.

Chiều ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng ga Sài Gòn cho biết, kế hoạch bán vé tàu đi lại trong dịp cao điểm tết Giáp Ngọ 2014 đã chính thức được thông qua.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/10 sắp tới, ga Sài Gòn bắt đầu bán vé cho các tập thể đăng kí mua vé đi tàu trong giai đoạn từ ngày 1 đến 25/9.

Sau 10 ngày đầu tiên bán vé cho tập thể, từ ngày 10/10, ga Sài Gòn bắt đầu bán vé cho các cá nhân muốn mua vé tàu đi trong dịp giáp tết.

Cũng như mọi năm, năm nay, ga Sài Gòn tiếp tục áp dụng các hình thức mua vé tàu tết qua: website (www.vetau.com.vn), đến ga hoặc các đại lý trực tiếp mua vé, nhắn tin sms lấy số thứ tự mua vé.

Đại diện ga Sài Gòn cho biết, để thuận lợi cho hành khách mua vé tàu qua mạng, năm nay, website đã được nâng cấp dung lượng tăng cao đáng kể, có thể đáp ứng từ 5.000 – 20.000 người truy cập trong cùng một lúc.

Từ ngày 5/10, ga Sài Gòn bắt đầu cung cấp mỗi ngày 400 số thứ tự mua vé tại ga. Để nhắn tin lấy số thứ tự mua vé, hành khách cần nhắn tin Gasg+tên+số CMND gửi đến tổng đài 8205 để lấy số thứ tự mua vé.

Tổng số lượng vé tàu cung ứng cho giai đoạn cao điểm trước tết âm lịch (từ 16 đến 29/12 âm lịch) là gần 149.000 vé với 19 đoàn tàu hoạt động mỗi ngày, bao gồm gần 99.000 vé dành cho các ga từ Vinh trở ra Hà Nội, còn lại là số vé dành cho ga từ Nha Trang đến Đồng Hới.

Ga Sài Gòn cũng cho biết, vé tàu đi trong dịp tết năm nay cũng sẽ tăng từ 6 -10% so với những mùa tết năm trước, trong đó tăng từ 6 – 8% trong giai đoạn từ 14 đến 19 tháng Chạp âm lịch, và tăng 10% từ 20 – 29 tháng Chạp âm lịch.

Trưởng ga Sài Gòn cũng lưu ý, cũng như những mùa tết trước, tết Giáp Ngọ, những hành khách có vé đi từ ga Nha Trang đến ga Hà Nội trong giai đoạn cao điểm trước tết (20 đến 29 tháng Chạp âm lịch), chỉ có tàu địa phương do Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn quản lý, có các ga đi từ Huế tới Nha Trang, và có các ga đến từ Nha Trang đến Sài Gòn đều phải in tên, số giấy CMND của người đi tàu trên vé.

Những hành khách đi tàu có giấy tờ tùy thân không trùng với thông tin cá nhân được in trên vé chắc chắn sẽ không được đi tàu nhằm hạn chế tối đa nạn ‘cò’ vé tàu tết.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Lý giải thói ăn chơi đầu năm của người Việt

Vin vào tập tính để lấy cớ

Bàn về câu ca "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè…", GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, nhận định đó là thói quen không còn phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng vẫn đang kéo dài trở thành thói xấu của người Việt.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, cơ chế nghỉ ngơi trên xuất phát từ phương thức sản xuất của xã hội nông nghiệp có từ ngàn năm trước. Trước kia người nông dân chỉ sản xuất 1 vụ, thời kỳ nông nhàn vì vậy cũng kéo dài. Đặc thù này đã quy định luôn nhịp hoạt động sinh học của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác để lại như một thứ gene di truyền, thấm vào mỗi người thành tập tính khó thay đổi.

“ Xưa kia, các cụ cho rằng tháng giêng là tháng ăn chơi, có kéo dài sang tháng hai, tháng ba cũng không hề gì vì nó đâu có ảnh hưởng tới sản xuất. Với nghề nông, người dân quan niệm, chậm một chút hay nhanh hơn một chút cũng không sao. Nếp suy nghĩ đó tạo hệ lụy khiến con người có ý thức tùy tiện, không có tính chuyên nghiệp trong lao động”, GS Thịnh nói.

Từ đây, GS Thịnh đưa ra so sánh: Trong khi xã hội công nghiệp người ta quý trọng từng giờ, từng phút thì người lao động mình vẫn cho phép “giờ cao su”, tới công ty chậm 1, 2 ngày, thậm chí chậm cả tuần để chơi xuân nơi quê nhà… Đối với cán bộ công chức, trong tác phong làm việc cũng xuất hiện quan niệm “chậm một chút chẳng chết ai”

“Đành rằng tập tính có từ ngàn xưa song khi đã bước vào phương thức sản xuất khác, điều kiện khác thì con người buộc phải thay đổi để thích ứng. Thái Lan cũng từng xuất thân từ nước nông nghiệp nhưng họ khắc phục được tập tính này nhanh hơn chúng ta rất nhiều.

Nhìn ra được điểm yếu là quan trọng, chỉ sợ người ta không chịu sửa hoặc chậm khắc phục, vin vào tập tính lấy cớ để cố duy trì, nên dễ dàng xuề xòa cho nhau.”, GS Thịnh nói.

Người thừa, ăn chơi cũng chẳng sao 

Xét về khía cạnh kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Việc cho Nghỉ tết dài ngày là sự cải cách linh hoạt theo hướng tích cực được người lao động hoan nghênh, xã hội ủng hộ. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tăng thêm doanh thu từ các hoạt động kinh tế dịch vụ xã hội trong bối cảnh kinh tế èo uột.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phong cũng không phủ nhận mặt trái khi thói quen “ăn chơi dông dài” truyền thống của người Việt đã trở thành hệ lụy xã hội.

Dẫn ra ví dụ điển hình: Mặc dù đã có quy định cấm nhưng đầu năm tình trạng cán bộ công chức vẫn bỏ giờ làm đi du xuân, lễ lạt chùa chiền, vẫn diễn ra phổ biến, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: “Lý giải tình trạng này, có ý kiến cho rằng công việc đầu năm tại một số cơ quan nhà nước chưa tới nỗi bức xúc phải giải quyết ngay nên cán bộ nhân viên vẫn có thể tranh thủ thực hiện những chuyến đi lễ đầu năm như một quán tính của tâm linh; rồi thì người đứng đầu cơ quan vẫn chưa nghiêm túc trong việc nhắc nhở nhân viên… Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến cảnh cán bộ công chức dành thời gian trong giờ hành chính đi lễ đầu năm, là do xuất phát từ tình trạng thừa quá nhiều biên chế tại các cơ sở công quyền. Vắng cô thì chợ vẫn đông, vắng 1/3 nhân viên đi chùa chiền lễ lạt thì công việc ở nhà cũng vẫn chạy cơ mà”.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng không thể khắc phục thực trạng trên trong một sớm một chiều. “Ngoài việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của người lao động để thấy được trách nhiệm của mình thì người lãnh đạo trong mỗi đơn vị quản lý lao động cần phải tăng cường chế tài lao động. Chẳng qua, thái độ chưa nghiêm túc trong công việc là do khâu kỷ luật chưa nghiêm, một khi đã hình thành hệ thống chế tài nghiêm minh thì người lao động chắc chắn sẽ thực hiện tốt”.