Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Trang trí nhà cửa đón tết

Đừng để kế hoạch chi tiêu của bạn bị đổ bể vì ý định muốn thay đổi toàn bộ không gian sống trong nhà. Thay vào đó bạn nên nghĩ lại xem điều gì thật sự cần thiết và có vai trò như thế nào trong căn nhà.

Khi đã xác định được mục tiêu chính của việc trang trí lại ngôi nhà, bạn sẽ tập trung vào đó làm mới lại căn nhà với kế hoạch chi tiêu rõ ràng, có thể dự trù được.

Sơn lại tường
Việc đầu tiên bạn nên nghĩ tới khi muốn trang trí lại ngôi nhà mình là sơn lại tường nhà. Màu sơn tường mới sẽ làm bừng sáng các không gian trong nhà.

Lựa chọn "ánh sáng thông minh"

Ánh sáng luôn là nhân tố rất quan trọng với các không gian sống, hơn nữa đó còn là nguồn năng lượng vô tận từ thiên nhiên. Vì thế việc khôn khéo sử dụng ánh sáng trong nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm được mọi khoản chi phí.

Ngoài ra để sinh động hơn bạn có thể sử dụng hai chiếc đèn lớn với gam màu sáng đặt bên cạnh giường hoặc ghế sofa giúp tăng thêm giá trị cho không gian sống.

Làm mới những chiếc gối

Không nhất thiết phải thay cả bộ ghế sofa hay vải bọc ghế vì chi phí khá tốn kém. Đơn giản bạn chỉ cần làm mới những chiếc gối tựa. Việc này sẽ có tác dụng tích cực trong việc thay đổi cục diện phòng khách, phòng sinh hoạt...

Sáng tạo nơi giường ngủ

Giường ngủ là nơi thư giãn, thoải mái nhất của bạn sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Vậy nên năm mới đến bạn cũng cần thay đổi một chút không gian sống khá đặc biệt này, vừa trang trí phòng ngủ vừa có tác dụng cải thiện giấc ngủ.

Bạn có thể bắt đầu với việc thay mới táp đầu giường, thay đổi drap trải giường (chọn gam màu phù hợp với màu sơn tường) hoặc chỉ đơn thuần treo thêm bức tranh mới trên đầu giường.

Những tấm kính nhỏ

Tại sao không khi những tấm kính trong có tác dụng giúp diện tích sử dụng của bạn rộng hơn rất nhiều, tăng ánh sáng và lại rất kinh tế?

Mở thêm cửa sổ

Ngoài ra bạn cũng có thể sơn lại cửa sổ. Làm mới những tấm rèm cũng tạo ra những điểm nhấn mới lạ cho căn phòng.
Tận dụng các bức tranh

Bạn hãy cắt những bức tranh trên báo, tạp chí hoặc in chúng ra từ Internet. Các bức tranh được lựa chọn tùy sở thích của bạn, sau đó chỉ cần mua thêm khung ảnh và ghép chúng lại với nhau, treo lên tường.

Sắp đặt bàn thờ ngày Tết

Công việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đế ông bà tổ tiên. Vì thế, mỗi độ "năm hết Tết đến", việc chăm chút bàn thờ là công việc được mọi người chú ý trước tiên.

Thờ phụng tổ tiên là một trách nhiệm có tính cách luân lý đối với người Việt Nam, nó thể hiện cho nhu cầu được phát lộ tình cảm và niềm tin huyết thống trong môi trường gia đình.

Ý nghĩa của sự sạch sẽ

Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ, có người còn dùng nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau.

Trong tâm thức người Việt, người đã khuất và người còn sống luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ, chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.

Không phải đợi lúc năm hết tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng, người ta mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ. Tuy nhiên, phải vào những ngày cận tết, chúng ta mới thấy hết được không khí bận bịu, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ. Từ việc đánh sáng lại bộ tư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương (nhang)... đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Công việc quét tước nhà cửa thường là việc của phụ nữ trong nhà vì nó đòi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Song việc bày bàn thờ ngày Tết lại được ưu ái dành cho quý ông, đơn giản vì việc ấy nặng nhọc hơn. Hơn thế, người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.

Phụ nữ trong nhà thì lo việc bếp núc, nấu nướng và dọn dẹp gian bếp. Đó là cách nhìn từ văn hóa truyền thống xưa kia. Ngày nay, nhất là nơi đô thị, chúng ta không còn biệt rạch ròi việc này như trước. Việc bày biện hay thắp hương (nhang) trên bàn thờ không phân biệt nam nữ, tuổi tác như ở thôn quê. Tuy nhiên, để giữ nếp xưa, mọi nhà vẫn mời người lớn tuổi nhất họ hay nhất nhà ra khấn và thắp hương cho ông bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: tất niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn...

Sắp đặt bàn thờ ngày Tết

Trong gia đình Việt Nam ngoài việc chọn lựa vị trí trung tâm và cao ráo để đặt bàn thờ, người Việt còn chú ý xem hướng của ngôi nhà và tuổi của gia chủ để thấy nên đặt bàn thờ quay mặt về hướng nào là tốt nhất. Việc dọn dẹp hay bày biện bàn thờ vào ngày thường có thể qua loa, sơ sài vì lý do bận bịu làm ăn, thu vén tiền bạc... Song vào những ngày Tết, công việc này được yêu cầu có sự chu đáo nhất định.

Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế tam tài; ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời bên trái và mặt trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có lúc sám hối... người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.

Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài cái chung (ly nhỏ, thấp) và một bình trà; đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung quanh, ta có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt.

Hoa để thờ cũng có nhiều loại ví dụ hoa tươi hay hoa làm bằng giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm một dương, âm dương giao hòa) để có thể dùng được lâu. Đối với hoa tươi người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa lay-ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết...

Khoảng sáng ba mươi Tết, việc bày biện bàn thờ Tết phải được hoàn tất. Tuỳ theo điều kiện kinh tế hay văn hóa từng miền mà trên bàn thờ có thêm cặp dưa hấu xanh, gói thuốc lá, cặp bánh chưng hay bánh tét...

Việc thắp sáng cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ ngày ba mươi. Có nhà sử dụng loại hương vòng, hay hương que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng như các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu...

Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Hương dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại hương có mùi thơm đặc biệt ví dụ như hương bài, hương trầm, hương nhài... là những loại hương có mùi thơm hết sức đặc trưng cho nhân dân ba miền ở Bắc Trung Nam.

Bày mâm ngũ quả

Việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thuỷ - hỏa - mộc - kim - thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Mỗi một miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người Nam bộ có cách đọc chại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) - sung (Sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) - đủ (đơn tiết hóa của đu đủ và xài (là cách đọc chệch của âm xoài).

Trong khi đó, người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Ngày nay, mâm quả trên bàn thờ tết người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của những hoa quả ngoại nhập. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn có thể tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình.

Cuối cùng, những sản vật đẹp mắt nhất, tinh tuý nhất, được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Bàn thờ Tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

Ngày Tết có những phong tục gì

Mỗi khi Tết đến xuân về, nhân dân ta lại nô nức đón xuân vui Tết, xum họp gia đình. Dưới mái nhà chung của Tổ quốc Việt Nam, mỗi vùng, mỗi miền tuy có những phong tục tập quán đón Tết khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là một số nét chính như sau:


Chuẩn bị đón Tết

Thời gian giáp Tết là lúc mọi người, mọi nhà nghỉ các công việc làm lụng để chuẩn bị đón Tết, mua sắm tích trữ thực phẩm và các đồ dùng mới trong nhà, bởi trong và sau Tết, các hoạt động mua bán sẽ ngừng lại vì mọi người đều nghỉ ăn Tết. Có nhu cầu mua sắm vào dịp này cũng một phần là vì các nhà thường chuẩn bị tài chính cho dịp Tết từ năm cũ. Những nhà làm nghề nông cũng tích trữ vật nuôi hay hoa màu từ trong năm cũ cho dịp Tết. Đặc biệt, người ta thường sửa sang, trang trí lại nhà cửa, quét mới vôi ve cho căn nhà sáng đẹp lên với ý nghĩa đón Tết thêm phần may mắn hơn.

Cạnh đó, công việc chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, mời gọi và đón tiếp người thân đi xa lâu ngày trở về xum họp với gia đình cũng được hoàn tất trong dịp Tất niên.

Sắp đặt bàn thờ ngày Tết

Trong mọi gia đình người Việt Nam luôn có một bàn thờ tổ tiên, ông bà. Bàn thờ thường được đặt trang trọng giữa phòng thờ, hơi cao một chút, trên có bài vị hoặc di ảnh của người đã khuất. Ngày Tết, trên bàn thờ không thể thiếu mâm ngũ quả (tuỳ theo mỗi vùng, miền có thể có các loại hoa trái khác nhau), phía trước bát hương thường có một bát nước trong, cạnh đó là hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ, với mục đích để tổ tiên từ trên trời chống gậy về hạ giới với con cháu.

Cúng Táo quân

Theo tâm linh của người Việt thì ông Táo (hay ông bếp) là một vị thần trong gia đình, coi sóc việc bếp núc và bảo vệ cả nhà khỏi sự xâm hại từ bên ngoài. Ông Táo còn là người ghi chép, tổng kết tất cả những gì mọi người trong gia đình làm trong cả năm, và báo cáo mọi sự với Ngọc Hoàng khi lên chầu trời. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và mấy con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.

Cúng Tất niên

Cúng Tất niên là lễ cúng đánh dấu sự hoàn tất mọi công việc trong cả một năm đã qua, trong đó bao gồm cả việc cúng các ông tổ nghề đã phù hộ thuận lợi cho công việc làm ăn. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29, 30 Tết. Cúng Tất niên cần đến một bàn thờ trang trọng với mâm ngũ quả và cỗ bàn, bao gồm nhiều loại sản vật, để mời tổ tiên, ông bà về thụ hưởng và phù hộ cho con cháu một năm mới an khang, thịnh vượng.

Cúng Giao thừa hay lễ Trừ Tịch

Theo tục lệ cổ truyền xa xưa thì "Giao thừa" được tổ chức nhằm đón các thiên binh thiên tướng đi thị sát cuối dưới hạ giới. Lúc này các thiên binh thiên tướng phải thị sát khắp hạ giới, nên phải đi nhanh, không thể vào tận bên trong mỗi nhà, vì vậy bàn cúng phải được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ gồm có xôi gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, được sắp bày với lòng thành của gia chủ để đón đưa thiên binh thiên tướng. Ý nghĩa của lễ này còn bao gồm việc đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Sau khi các nghi lễ cúng giao thừa đã hoàn tất, có thể coi như mọi việc đã xong, và mọi người trong gia đình cùng nhau xum vầy đón Tết.

Xông nhà (hay xông đất)

Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Vì vậy người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm trở nên rất quan trọng. Gia chủ thường để ý tìm xem trong họ tộc, bè bạn, láng giềng có ai đó “đạo cao đức trọng”, làm ăn phát đạt, nhanh nhẹn, vui vẻ để nhờ xông nhà đầu năm. Người được mời đi xông đất cũng vì thế mà rất tự hào và hãnh diện.

Chúc Tết

Sáng mồng Một Tết, còn gọi là ngày Chính đán, người Việt thường tổ chức đông đủ con cháu tụ họp ở nhà trưởng họ để cúng tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên trong họ. Sau đó, mọi người tỏa đi chúc Tết anh em, bạn bè và hàng xóm láng giềng…

Xuất hành và hái lộc

"Xuất hành" là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm sự may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục "hái lộc", cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... những loại cây quanh năm xanh tốt và nẩy lộc. Hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới.

Mừng tuổi (hay lì xì)

Đây là một phong tục rất đẹp, mỗi khi Tết đến xuân về người lớn thường tặng trẻ em tiền tiêu Tết, được gói trong một bao giấy hồng điều; kèm theo là những lời chúc mừng trẻ em ngoan ngoãn, học giỏi. Mừng tuổi còn bao gồm cả việc người trẻ tặng phong bao và chúc mừng người già sống lâu trăm tuổi, tỏa cành cao bóng mát cho con cháu được nương nhờ.

Tự làm dưa hành và dưa kiệu đón Tết

Trong ngày Tết, ngoài các món ăn điển hình và đặc trưng như giò, thịt gà, bánh trứng… thì món dưa không thể thiếu đó là dưa hành hoặc dưa kiệu.

Dưa hành và dưa kiệu là hai món ăn giúp chống ngán rất tốt. Vị chua chua, thơm thơm của hành và kiệu sẽ khiến bữa cơm đầu xuân thêm ngon và thú vị.

Làm dưa hành, kiệu làm sao cho ngon và không bị hăng không quá khó. Còn mua ở ngoài hàng đôi khi cũng không được ưng ý về độ trắng, giòn vì thế chị em hãy thử làm hai món dưa này nhé!

Dưa kiệu

Dưa kiệu cũng thơm ngon chẳng kém dưa hành và chắc chắn dưa kiệu sẽ khiến cho các món ăn còn lại đỡ ngán và thêm nhiều phần hấp dẫn.

Nguyên liệu:

- 1 kg củ kiệu
- 200 g đường
- 1/2 lít dấm
- 1 bát muối trắng,
- Nguyên liệu khác:
  1 thìa vôi trắng, 1 thìa phèn chua, 1 bát tô tro bếp.
- 10 quả ớt đỏ tươi

Tự làm dưa hành và dưa kiệu đón Tết - 1

Dưa kiệu cũng thơm ngon chẳng kém dưa hành và chắc chắn dưa kiệu sẽ khiến cho các món ăn còn lại đỡ ngán và thêm nhiều phần hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Cách làm:

- Kiệu đem cắt bỏ phần rễ và lá.

- Hoà 1 thìa phèn chua với 1 lít nước ấm.

- Hoà 1 thìa vôi trắng với 1 lít nước để lấy nước vôi trong.

- Hoà 1 tô tro bếp với nước, để tro lắng lấy nước trong.

- Sau đó, cho kiệu vào ngâm với nước tro 1 đêm để bớt đi vị hăng. Sáng sớm mai, đem kiệu xả sạch với nước lạnh rồi để ráo.

- Ngâm kiệu vào nước phèn chua, phơi ra nắng buổi sáng sớm khoảng 4 tiếng.

- Sau đó, vớt kiệu, xả sạch, đem ngâm vào nước vôi 2 giờ nữa.

- Đổ kiệu ra rổ, đem phơi cho đến khi kiệu hơi héo bề mặt.

- Hòa đường vào với giấm rồi đun sôi, để nguội.

- Ớt tươi, bổ đôi, bỏ hạt, thái lát vừa ăn.

- Xếp kiệu và ớt vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước đường và giấm vào sao cho ngập hết kiệu.

- Để sau 10 ngày là dùng được.

- Nếu bạn dùng món này trong thời gian dài, có thể nấu nước đường và giấm mới, sau đó cho vào kiệu để tránh không bị chua và đóng váng trên bề mặt.

- Các công đoạn làm kiệu hơi mất thời gian nhưng món kiệu của bạn sẽ thơm ngon và giòn hơn những cách làm thông thường.

Dưa hành

Để làm dưa hành ngon, giòn trước hết chị em cần chú ý khâu chọn hành nhé. Nên mua loại hành nhỏ, củ trắng (gần gần như củ kiệu) đem về lột vỏ ngoài, khứa dọc 2-3 khứa để sau này nước ngâm dễ thấm vào. Đem phơi khô.

Nguyên liệu:

1kg hành khô, nước vo gạo, muối, đường, giấm trắng.

Tự làm dưa hành và dưa kiệu đón Tết - 2

Cách làm:

- 1kg hành khô không bóc vỏ, cho vào chậu ngâm nước vo gạo, bỏ thêm ít muối hột, ngâm trong một đêm.

- Sáng hôm sau, đổ nước vo gạo, thay bằng nước lã, cũng bỏ thêm muối vào ngâm như trên, ngâm thêm một ngày (ngâm hành có tác dụng cho hành đỡ cay hơn). Sau đó bóc vỏ, cắt rễ, để ráo nước.

- Bước tiếp theo, chúng ta đun nước sôi, để nước giảm nhiệt độ, có thể lấy ngón tay để thử nước, nước vừa đủ độ nóng ấm, không để nước nóng quá sẽ làm chín củ hành và sẽ rất khó lên men khi muối.

- Pha 2 thìa muối, 2 thìa đường, 2 thìa giấm trắng vào 1 lít nước.

- Xếp củ hành vào lọ thủy tinh, đổ nước đã pha sẵn cho ngập, rồi nén như muối dưa.

 Sau 1 tuần hành mới ăn được, ăn trước hành sẽ có mùi hăng.

Tết Âm lịch của các nước trên thế giới

Lào (đầu tiên Tết Lào được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Giêng, tuy nhiên, thời điểm đó vào mùa đông, không thích hợp cho phong tục té nước nên ngày này đã được chuyển sang thời điểm nóng nhất trong năm).

Campuchia (do giao thoa về văn hóa và dân cư khiến có thêm một số ngày lễ như Tết Việt Nam và Trung Quốc ). Thái Lan (Người Thái Lan gọi ngày Tết cổ truyền mừng năm mới là Songkran, ngày Tết được tổ chức từ ngày 13-15/4 để đón năm mới)

Hàn Quốc - Triều Tiên (Tết âm lịch cổ truyền cũng được tính từ thời khắc giao thừa của năm cũ âm lịch) Tết Seollah bắt đầu từ ngày 1/1 hằng năm theo âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày. Tết Seollah là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất đối với người dân xứ sở kim chi. Tết âm lịch cổ truyền hiện vẫn là tết chính và là đại lễ long trọng nhất trong năm âm lịch cổ truyền của Hàn Quốc, Triều Tiên).

Singapore (người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán Âm lịch cổ truyền, vì gần 80% dân số của quốc đảo Sư tử này là người Hoa hoặc liên quan đến gốc Hoa).

Mông Cổ (ở Mông Cổ, một ngày trước năm mới được gọi là Bituun, tức giống như ngày 30 tháng Chạp của ta).

Ấn Độ (tết ở Ấn Độ - lễ hội Holi - vào ngày 15 tháng Hai âm lịch. Nhà nào, làng nào cũng dự trữ củi, rơm rạ... để đốt những đống lửa từ đêm giao thừa 14 tháng Hai).

Bhutan (Trong dịp Tết âm lịch ở Bhutan, người ta mặc quần áo theo truyền thống. Vui nhất của năm mới ở Bhutan là các cuộc thi bắn cung được tổ chức trên cả nước).

Ngoài ra các nước có truyền thống Tết Âm lịch là: Trung Quốc, Việt Na, Hong Kong (thuộc TQ), - Đài Loan (TQ, Nhật Bản (trước 1868). Trong đó, thì Trung Quốc và Việt Nam là 2 quốc gia có truyền thống mừng Tết Nguyên Đán lâu đời nhất và xem Tết Nguyên Đán là một lễ hội cực kỳ trọng đại trong năm!

Còn lại những quốc gia khác ở châu Á hay trên thế giới cũng biết Tết Nguyên Đán nhưng không xem Tết Nguyên Đán là một dịp lễ hội trọng đại như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia ...

Đăt tên cho con Năm Quý Ngọ 2014, tên hay cho con!

Năm 2014 là năm con ngựa - năm Giáp Ngọ và năm 2014 là mệnh Kim (Sa trung kim (Vàng trong cát)và trước khi sinh các câu hỏi như Đặt tên cho con trai năm giáp ngọ 2014, đặt tên cho con gái năm Giáp ngọ 2014 là câu hỏi mà các bậc cha mẹ sinh con vào năm 2014.

Cái Tên sẽ đi theo suốt cuộc đời của người mang nó, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai về sau… Vì vậy các bậc làm cha làm mẹ với bao hoài bão ước mơ chứa đựng trong cái Tên, khi đặt Tên cho con: Đó là cầu mong cho con mình có một cuộc sống an lành tốt đẹp…Khi đặt tên cho con tuổi Ngọ, các bậc cha mẹ nên chọn tên cho con nằm trong các bộ Thủ tốt và tránh đặt tên cho con nằm trong các bộ Thủ xung khắc với từng tuổi.

Tuổi Ngọ được coi là con giáp du mục trong mười hai con giáp. Người sinh tuổi Ngọ luôn tới lui từ chỗ này sang chỗ khác, nhảy từ dự án này sang dự án nọ, chương trình này sang chương trình khác. Họ là người ưa thích sự đổi mới, ham hoạt động, thích độc lập, khó thích ứng với công việc có tính cố định và nhàm chán.

Người sinh năm Ngọ rộng rãi, hào phóng, mẫn tiệp, trang điểm hợp thời, giỏi đối đáp, ngoại giao, sức quan sát tốt, đầu óc nhanh nhẹn, cởi mở, dí dỏm lý thú, thích tự do đi đây đi đó, không chịu sự ràng buộc vào bất cứ cái gì, thích làm việc theo sở thích, hay thay đổi, dễ đam mê và cũng mau chán, tính khí nóng nảy, khi bị chọc tức thì lửa giận bừng bừng, song cũng hết giận rất nhanh. Những người có cung mệnh này thường khá bốc đồng, họ không chịu nổi những gì tẻ nhạt rập khuôn. Họ có khuynh hướng rất thích đi xa và không dừng ở đâu lâu được. Màu sắc họ yêu thích là vàng và cam, tất cả hòa quyện vào nhau một cách kỳ diệu tạo nên một sự thoải mái, tinh tế mà chân thành phù hợp với cá tính của những người tuổi Ngọ.

Tên đem lại may mắn: Người tuổi Ngọ là người cầm tinh con ngựa, sinh vào các năm 1954, 1966, 1978, 1990, 2002, 2014, 2026… Dựa theo tập tính của loài ngựa, mối quan hệ sinh - khắc của 12 con giáp (tương sinh, tam hợp, tam hội…) và ngữ nghĩa của các bộ chữ, chúng ta có thể tìm ra các tên gọi mang lại may mắn cho người tuổi Ngựa.

Ngọ tam hợp với Dần, Tuất và tam hội với Tỵ, Mùi. Do đó, tên của người tuổi Ngọ nên có những chữ này. Ví dụ như các tên Dần, Hiến, Xứ, Thành, Do, Kiến, Mĩ, Nghĩa, Mậu…

Ngựa là động vật ăn cỏ, vì vậy tên thích hợp cho người tuổi Ngọ là các chữ thuộc bộ Thảo như: Chi, Lan, Hoa, Linh, Diệp, Như, Thuyên, Thảo…

Các bộ chữ chỉ các loại ngũ cốc như Hòa, Kiều, Thục, Tắc, Đậu, Túc, Lương cũng thích hợp cho người tuổi Ngọ, bởi đó là những thức ăn ưa thích của loài ngựa.

Những chữ thuộc các bộ này có thể dùng để đặt tên như: Tú, Thu, Khoa, Giá, Tích, Dĩnh, Tô, Phong, Diễm, Thụ…

Những tên thuộc bộ chữ mang nghĩa về y phục có màu sắc sặc sỡ như Mịch, Y, Cân, Sam cũng thích hợp khi dùng để đặt tên cho người tuổi Ngọ, bởi một con ngựa tốt mới được khoác lên mình nó những y phục đẹp.

Bạn có thể chọn những tên như: Sam, Chương, Đồng, Bân, Ngạn, Thái, Ước, Thuần, Duyên, Cương, Luyện, Kỷ, Thân, Viên, Trang, Khâm, Hi, Thường, Cầu…

Ngựa có nguồn gốc thiên nhiên hoang dã nhưng khi đã thuần dưỡng nó được bảo vệ yên ổn dưới mái nhà của con người. Vì vậy, những tên gọi thuộc bộ chữ Mộc và Miên sẽ giúp người tuổi Ngọ được bình an.

Đó là các tên như: Lâm, Đông, Vinh, Nhu, Kiệt, Sâm, Sở, Thụ, Nghiệp, Thủ, An, Gia, Thực, Bảo, Dung, Nghi…

Để đặt tên cho con tuổi Ngọ, bạn có thể tham khảo thêm các thông tin về Bản mệnh, Tam hợp hoặc nếu kỹ lưỡng có thể xem Tứ Trụ, (nếu bé đã ra đời mới đặt tên). Có nhiều thông tin hữu ích có thể giúp cho cha mẹ chọn tên hay cho bé.

Tam Hợp Tam Hợp được tính theo tuổi, do tuổi Ngọ nằm trong Tam hợp Dần – Ngọ - Tuất nên những cái tên nằm trong bộ này đều phù hợp và có thể coi là tốt đẹp.

Bản Mệnh Bản Mệnh thể hiện tuổi của con thuộc Mệnh nào và dựa vào Ngũ Hành tương sinh tương khắc để đặt tên phù hợp. Tốt nhất là nên chọn hành tương sinh hoặc tương vượng với Bản mệnh.

Tứ TrụDựa vào ngày, giờ, tháng, năm sinh của bé để quy thành Ngũ Hành, nếu bé thiếu hành gì có thể chọn tên hành đó, để bổ sung hành đã bị thiếu trong tứ trụ, để cho vận số của em bé được tốt.


Tên kiêng kỵ:Theo địa chi, Sửu và Ngọ là lục hại; do đó những tên gọi có liên quan đến chữ Sửu như: Khiên, Sinh, Sản… không nên có mặt trong tên gọi của người tuổi Ngọ.

Những chữ thuộc bộ Tý, Thủy, Nhâm, Băng, Quý, Bắc cũng là tối kỵ đối với tên của người cầm tinh con ngựa bởi những chữ đó có liên quan đến hành Thủy mà Ngọ lại thuộc hành Hỏa, Hỏa khắc Thủy.

Do vậy, những tên như: Thủy, Vĩnh, Băng, Cầu, Quyết, Hà, Sa, Quyền, Thái, Dương, Trị, Pháp, Tân, Hồng, Hải, Hán, Lâm, Hiếu, Mạnh, Học, Tự, Quý… sẽ không mang lại những tác động tốt cho vận mệnh và cuộc đời của người tuổi Ngọ.

Cỏ là loại lương thực quan trọng nhất với loài ngựa, nên những chữ gợi đến các loại lương thực như Mễ, Nhục, Tâm (lúa gạo, thịt) đều không mang lại sự hài hòa cho tên gọi và vận mệnh của người cầm tinh con giáp này.

Do đó, những chữ như: Phấn, Tinh, Quý, Chí, Tư, Huệ, Niệm, Tính, Khánh, Hoài, Ý, Cao, Dục, Hựu… là những lựa chọn không sáng suốt khi đặt tên cho người tuổi Ngọ.

Khi ngựa phải đi kéo cày dưới đồng cũng là lúc nó phải nhân nhượng, bị hạ bệ so với địa vị. Chính vì thế, nếu bạn không muốn người thân chịu hoàn cảnh như vậy thì những chữ thuộc bộ Điền như: Phú, Sơn, Nam, Điện, Giới, Đơn, Lưu, Cương, Đương… không nên dùng để đặt tên cho người tuổi này.

Ngựa chỉ quen chạy ở đường thẳng, nếu phải chạy đường núi thì sẽ cảm thấy rất mệt nhọc, vất vả. Để tránh cảm giác ấy cho người tuổi Ngọ, bạn không nên chọn những chữ thuộc bộ Sơn như: Nhạc, Đại, Dân, Tuấn, Côn, Tung… để đặt tên cho họ.

Ngựa thích tự do chạy nhảy hơn là bị cưỡi. Do vậy, bạn cần tránh những chữ gợi đến ý nghĩa này như: Kỳ, Cơ, Kỵ…khi đặt tên cho người tuổi Ngọ.

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Mua vé tàu, xe Tết cũng cần chứng minh nhân dân

Cả “nhà xe” lẫn “ nhà tàu” đều công bố các phương án nhằm chống đầu cơ vé Tết với mục đích đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Theo đó, hành khách đi tàu, xe dịp Tết muốn có vé thì buộc phải có chứng minh nhân dân (CMND) và mỗi CMND chỉ được mua từ 2-4 vé.

Nhiều doanh nghiệp bán vé sớm

Tại khu vực miền Bắc, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách đều cho biết hiện đang trong quá trình xây dựng phương án vận tải phục vụ Tết Dương lịch và Tết Âm lịch 2014. Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh (101 Lý Thường Kiệt, TP Vinh, Nghệ An) cho biết, sắp tới đơn vị này mới họp bàn tổ chức kế hoạch vận tải Tết. Tuy nhiên, các thông tin về giá vé, dự kiến kế hoạch bán vé, chạy xe Tết đã được ông Văn công bố. Theo đó, các thông số “bất biến” gồm giá vé, số khách tương ứng với số ghế, không bắt khách dọc đường... vẫn được đơn vị này áp dụng chuẩn như thường ngày.

Dự kiến, các văn phòng tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội của nhà xe Văn Minh sẽ đồng loạt mở bán vé Tết từ ngày 1-15/11 Âm lịch, tương ứng từ ngày 3-17/12 Dương lịch. Ngày cụ thể mở bán vé Tết tại Hà Nội và Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được công ty này sớm công bố tới hành khách. Để mua vé tại các văn phòng của nhà xe Văn Minh, ông Văn khuyến cáo tới khách hàng cần mang theo CMND, mỗi CMND chỉ được mua tối đa 2 vé. Trong trường hợp một người mang 2 CMND thì cũng chỉ được mua 2 vé.

Các doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến Hà Nội đi các tỉnh khu vực Đông Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang… cũng đang trong quá trình sắp xếp kế hoạch vận tải Tết. Ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV bến xe Hà Nội cho biết, năm nay Tết Dương lịch và Âm lịch gần nhau nên đơn vị này sẽ sớm công bố kế hoạch phục vụ Tết để các nhà xe cùng đơn vị thành viên thực hiện. Về giá vé thuộc trách nhiệm của các nhà xe, khi có biến động giá, được cơ quan tài chính địa phương chấp thuận thì các doanh nghiệp phải thông báo cho các bến xe, niêm yết công khai cho hành khách biết. Các bến xe sẽ kiểm tra việc chấp hành thông tin về giá vé của doanh nghiệp.

Tại miền Nam, cả 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây đều chưa công bố kế hoạch phục vụ Tết. Tuy nhiên, như thường lệ, các doanh nghiệp vận tải miền Nam sẽ tăng phụ thu từ 40-60% để bù rỗng một chiều.

Đường sắt: Bán tối đa 4 vé/người/lần
Ngành đường sắt đã sớm công bố lịch chạy tàu, vé tàu Tết 2014. Theo đó, các tàu SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, TN17/18 chạy bình thường trong các ngày nghỉ Tết từ 30/1 đến 2/2/2014 (tức 30, 1, 2, 3 Tết). Trước đó, từ ngày 10/10 ngành đường sắt đã bán vé tất cả các tàu Thống Nhất chạy trong dịp Tết 2014. Đầu Hà Nội bán vé tại các ga gồm: ga A đường Lê Duẩn, ga B đường Trần Quý Cáp, trạm Long Biên. Tổ chức bán vé khứ hồi chiều TPHCM – Hà Nội tại hai đầu ga; bán vé tại các đại lý bán vé tàu hỏa; bán vé lưu động tại các cơ quan, đơn vị có nhu cầu; bán qua tin nhắn SMS; đưa vé đến tận nhà miễn phí trong phạm vi dưới 7km qua số điện thoại 04-39423949.

Tàu Thống Nhất số chẵn chạy trong cao điểm trước Tết từ ngày 20/1 đến hết ngày 29/1/2014 và các đoàn tàu số lẻ chạy trong cao điểm sau Tết từ ngày 3/2 đến hết ngày 15/2/2014. Ngành đường sắt quy định hành khách có nhu cầu trả lại vé, đổi vé phải trả trước giờ tàu chạy ít nhất 10 giờ và mức khấu trừ 30% tiền vé; không áp dụng giảm giá cho các tập thể đi tàu trong thời gian cao điểm này. Chuyển đổi giường tầng 1 toa xe nằm điều hòa khoang 4 giường (mỗi giường tầng 1 được bán thành 3 vé ghế ngồi), giá vé được tính bằng giá vé ngồi mềm tương ứng. Bán vé ghế phụ, giá vé ghế phụ bằng 80% giá vé thấp nhất đoàn tàu. Hành khách mua vé ghế phụ được bố trí ngồi bằng ghế nhựa.

Với tàu Thống Nhất chiều TPHCM – Hà Nội chạy trong cao điểm trước Tết từ ngày 20/1 đến hết ngày 29/1/2014, khi mua vé hành khách phải xuất trình CMND hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh. Hành khách mua vé tàu Thống Nhất số chẵn xuất phát tại TPHCM từ ngày 20/1 đến hết ngày 29/1/2014 và các tàu Thống Nhất số lẻ xuất phát tại Hà Nội từ ngày 3/2 đến hết ngày 15/2/2014 chỉ được mua tối đa 4 vé cho một lần mua.

Với hành khách mua vé bằng phương thức đặt chỗ tại website www.vetau.com.vn cần phải đăng ký tài khoản để đặt chỗ mua vé. Ngành đường sắt chỉ phục vụ những khách hàng đã có tài khoản tại website, có khai báo đầy đủ số CMND và điện thoại liên lạc theo đúng quy định. Trong thời gian đặt chỗ đi tàu Tết, mỗi tài khoản được đặt tối đa 2 phiếu đặt chỗ. Mỗi phiếu được đặt chỗ cho tối đa 4 người đi tàu/lượt, số chỗ đặt tối đa 8 chỗ (4 chỗ lượt đi và 4 chỗ lượt về).