Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tục xông đất đầu năm

Theo quan niệm của người Đông Nam Á, buổi sáng mồng Một đầu năm hết sức quan trọng, người nào cũng giữ gìn từ lời ăn tiếng nói cho đến việc đi đứng, thăm hỏi lẫn nhau. Họ mong mỏi buổi sáng đầu năm có người ăn ở hiền lành, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ... bước chân vào nhà trước nhất.

Đó là tục xông nhà, xông đất, có nơi gọi là đạp đất. Người ta tin rằng việc đạp đất có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ cả năm.

Giờ xông đất bắt đầu từ sau giao thừa trở đi, khi tiếng chuông báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đến. Cách xông đất sau giờ giao thừa thường để người thân trong gia đình tự xông lấy. Người ta chọn một người dễ vía ra đi từ lúc chưa hết giờ trừ tịch và dự lễ tại đình chùa, sau đó xin hương hái lộc. Lúc trở về nhà đã bước sang năm mới, người này tự "xông nhà", mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình theo quan niệm của ông bà xưa. Đi xông nhà như vậy tránh được sự nhờ vả kẻ khác.

Thời gian xông nhà tốt nhất vào buổi sáng mồng một Tết. Người đi xông đất, ngoài những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ còn phải ăn mặc thật đẹp và mang theo một chút quà Tết. Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ có tính cách tượng trưng và phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ. Nó có thể là một chai rượu Tết, một gói trà ngon, một chiếc bánh chưng hay một phong bánh ngọt. Xông đất xong còn mừng tiền, chủ yếu là cho trẻ con gia chủ. Sau đó chủ nhà cũng hoan hỉ chúc tụng lại vị khách xông nhà và thết đãi một vài món ăn hay thức uống. Chuyện ăn uống này cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà. Nhà nào đã có người đến xông đất rồi thì việc tiếp khách trong ngày mồng một Tết không có ảnh hưởng gì đến gia chủ kể cả người tốt vía lẫn xấu vía.

Cho nên dù biết xông đất, xông nhà người khác là một vinh dự nhưng ai cũng e ngại. Vì cái vía của mình có may mắn, có đem lại tốt lành cho gia chủ hay không, việc đó phải chờ đến hết cả năm mới biết được.

Tục xông đất ngày Tết ở Thanh Hoá

 Tại một số vùng của tỉnh Thanh Hóa, tục xông nhà do tất cả thanh niên của làng phụ trách mà nhiều người đùa là: Cứ thấy nhà nào mở cửa là nhóm thanh niên xông vào chúc tết. Tục xông nhà này cũng gây ra chuyện dở khóc dở cười cho gia chủ.

Trong khi đó, thông thường, xông nhà hay xông đất có ý nghĩa quan trọng trong những ngày tết, nhìn người khách đầu năm mà có thể đón được cuộc sống của gia chủ trong năm mới cho nên gia chủ rất kén chọn vị khách đầu tiên bước chân vào nhà.
Tại làng Đăng Lâu, Thọ Xuân, Thanh Hóa, từ lâu gia chủ đã không còn khái niệm người đến xông nhà là người mau mắn, hợp tuổi với gia chủ, thành đạt về công danh hay trong làm ăn để mang tài lộc đến; hoặc ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà tết hay loại trừ những người gia cảnh khó khăn, đạo đức không tốt hay gia đình đang có chuyện buồn thì phải kiêng cữ…; mà chuyện xông nhà do thanh niên trong làng phụ trách.

Chiều tất niên, thanh niên trong làng tập trung nhau lại, chia nhóm, phân chia “địa bàn” xông nhà để sau giao thừa “hành quân”. Ngay sau giao thừa, mỗi nhóm từ 10 đến 20 thanh niên nam nữ đến gõ cửa từng nhà, hoặc thấy nhà nào điện sáng là “xông” vào. Khi những vị khách đầu tiên đến nhà, dù muốn hay không gia chủ cũng phải mời khách ngồi, rót rượu, bánh mứt mời khách.

Các vị khách vừa “xông” vào nhà vẫn đảm bảo chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút, không ở lại lâu, trưởng nhóm đại diện cầu chúc tết gia chủ, sau đó tất cả nâng ly chúc mừng năm mới. Nếu một thành viên của gia đình có nhã hứng gia nhập đoàn xông nhà thì sẽ xuất hành theo đoàn. Cứ như thế, thành viên của đoàn tăng dần lên, chúc tết khắp các nhà kéo dài đến sáng.

Tạ mộ, rước gia tiên về đón năm mới

Thông thường cứ từ ngày 23 đến ngày 30 Tết, những gia đình có người thân mất thường ra mộ để rước vong linh gia tiên về đón năm mới.

Theo thầy Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa – Đồng Nai), lễ này được gọi là lễ Chạp.
Vào dịp này các gia đình khi ra mộ lễ sẽ chuẩn bị lễ vật để cúng. Lễ vật thường gồm các thực phẩm, hoa quả, có người còn mua cả nhà bằng giấy, xe máy vàng mã… để đốt cho người thân.

Những gia đình trong năm có người mất thì đến lễ Chạp sẽ tiến hành cẩn thận hơn các năm khác. Riêng đối với những gia đình không có điều kiện ra mộ, có thể rước gia tiên về đón năm mới theo cách bày cỗ lên bàn thờ, đèn, hương hoa dâng cúng vào trưa (giờ Ngọ) ngày 30 Tết, rồi khấn tổ tiên về dự hưởng Tết với gia đình.

Mâm cỗ cúng gia tiên phải được chuẩn bị chu đáo bao gồm: Hương hoa, trầu cau, giấy tiền, vàng mã. Đối với việc sắm lễ thì tùy tâm, lễ mặn hoặc lễ chay tùy theo điều kiện của gia chủ chuẩn bị. Tuy nhiên khuyến khích sắm lễ chay để làm cho mâm lễ được thanh khiết. Mâm cúng lễ phải đầy đặn, bày biện cẩn thận mang ra ngoài mộ hoặc bày lên bàn thờ gia tiên.

Văn khấn lễ Chạp
Nam Mô Đại Thánh Cứu Bạt Minh Đồ Bản Tôn Địa Tạng Vương Địa Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần) - Con lạy chính phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. - Con kính lạy ngài Kim niên đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào phán quan. - Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại vương - Con kính lạy ngài bản xứ thần linh Thổ Địa tôn thần. - Các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ Long Mạch tôn thần, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, cùng liệt vị tôn thần cai quản ở trong xứ này.

Kính lạy hương linh cụ: ……………………………………………
Hôm nay là ngày …. tháng Chạp năm .........., nhằm tiết cuối Đông, sắp sang năm mới.
Chúng con là: ………………………………………………………………………………. Ngụ tại số: ……. , khu phố ………phường ……………..thành phố ..................tỉnh............
Sắm sửa phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo chư vị Tôn Thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là: (hương linh …. , sinh năm: ………….., từ trần ngày ….., tháng….. năm …… Hưởng thọ (dương):…………) ……………………………………………., có mộ phần an táng tại đây về với gia đình, đón mừng năm mới, để cho con cháu phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp thâm ân, tỏ lòng hiếu kính.
Cúi xin chư vị tôn thần phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở, bát nước nén hương, tâm nguyện lòng thành, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.
Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần)

Văn cúng lễ tất niên cuối năm

Mâm lễ cúng tất niên thường gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét)...

Để kết thúc một năm, chuẩn bị đón chào những ngày năm mới, các gia đình tại Việt Nam thường tổ chức một bữa cơm cuối năm. Bữa cơm này có kèm một mâm lễ cúng tổ tiên, lễ này gọi là Lễ Tất niên.

Thông thường lễ tất niên hay được tiến hành vào chiều 30 Tết. Tuy nhiên có những gia đình vì điều kiện thời gian, công việc cũng tổ chức vào các ngày trước đó, 29, 28,27 âm lịch…

Để tiến hành lễ này, các gia đình lau chùi, trang hoàng bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ tiên với mân ngũ quả, hương, hoa tươi, đèn nến đầy đủ. Sau đó trang hoàng nhà cửa với hoa mai, cành đào, chậu quất v.v.

Sau khi công việc chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầm ấm, thiêng liêng vui vẻ hoàn tất, gia chủ chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên để gặp mặt gia đình cuối năm. Bên cạnh đó cũng là lúc gặp gỡ bạn bè, anh em thân thuộc.

Mâm lễ cúng tất niên thường gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Chuẩn bị mâm lễ rồi, nhưng quan trọng nhất vẫn là văn khấn lễ tất niên:

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. - Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần. - Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần. - Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương. - Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần. - Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này. - Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ ................. (1) Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm ...................... (2) Tín chủ (chúng) con là: ........................................... Ngụ tại: …………………….......................... .................................................. Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.

Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.

Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.

Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.

Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Mùng 10 Tết: Ngày vía Thần Tài - Văn khấn Thần Tài Thổ Địa

Ngày vía của Thần Tài là ngày mùng 10 Tết. Ngày này tất cả mọi nhà, công ty, cửa hàng…có thờ Thần Tài, thì đều sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng về tài lộc.
 
Ngày vía của Thần Tài mọi người thương mua : 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.

Trong tháng thường cúng Thần Tài

Ngoài ngày vía chính của Thần Tài là ngày mùng 10 Tết. Nhưng mọi người vẫn chọn ngày mùng 10 âm lịch hằng tháng để cúng Thần Tài, cầu xin cho may mắn về tài lộc trong tháng đó, nên trở thành thông lệ.

Thông thường thì vào ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch, cùng với bàn thờ Tổ tiên và các bàn thờ khác trong nhà, hoặc vào ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng. Cúng Thần Tài để trả lễ khi gặp vận hên tài lộc.

Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo vịt quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày… Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món Cua biển và heo quay, chuối chín vàng.

Thường ngày nên đốt nhang mỗi sáng từ 6h – 7h và chiều tối từ 6h – 7 giờ, mỗi lần đốt 5 cây nhang. Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa, và chưng thờ nải chuối chín vàng.

Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.

Hàng tháng thường lau bàn thờ, tắm cho Thần Tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.

Thỉnh Thần Tài, Thổ Địa

Khi thỉnh tượng Thần Tài, Thổ Địa ngoài cửa hàng về, cần gói bọc trong giấy đỏ, hoặc trong hộp sạch sẽ, mang vào chùa nhờ các Sư trong chùa “Chú nguyện nhập Thần”, và nhờ các Sư chọn cho ngày tốt đem về nhà để an vị Thần Tài, Thổ Đại.

Về nhà dùng nước lá bưởi rửa và đặt lên bàn thờ, mua các đồ cúng về cúng khấn là được, lần sau cúng vái bình thường. Ai muốn thờ Thần Tài Thổ Địa đều phải thực hiện như trên, Thần Tài, Thổ Địa mới có linh khí.

Khi thỉnh Thần Tài, Thổ Địa cũng có Thần Tài, Thổ Địa hợp với gia chủ, cũng có Thần Tài, Thổ Địa không hợp với gia chủ, chọn tượng Thần Tài, Thổ Địa mặt tươi cười, mặt sáng sủa, tượng không bị nứt, vỡ, nhìn tượng toát lên vẻ phú quý.

Việc cầu xin tài lộc được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lòng thành của gia chủ, phước đức và số vận của gia chủ. Thần Tài, Thổ Địa không thể cho hay biếu người khác, phải tự gia chủ thỉnh về.

Đặt bàn thờ Thần Tài Thổ Địa

Bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính.

Văn khấn Thần Tài Thổ Địa

- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. - Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. - Con kính lạy Thần Tài vị tiền. - Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là:…………………………………Tuổi:………………….. Ngụ tại……………………………………………………………………….. Hôm nay là ngày…….tháng…….năm…………………(âm lịch).

Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thần.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì. Phục duy cẩn cáo!

Phong tục cúng lễ Táo Quân

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.

Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.

Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn.

Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.

Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người.

Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.

Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Lễ vật:

Mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Bài khấn:

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ chúng con là: …………
Ngụ tại: ………………………….
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
- Phục duy cẩn cáo!

Tạo sự khác biệt cho ngôi nhà ngày Tết

Ngày Tết, đến nhà nào, bạn cũng thấy cách bài trí không gian na ná nhau? Hãy trổ tài sáng tạo để mang lại sự khác biệt cho nhà bạn.

Ba ngày sum họp sẽ càng thêm ý nghĩa khi diễn ra trong một không gian đậm chất Tết. Thế nên, những ngày cuối năm, dù bận đến mấy, người ta cũng tranh thủ dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Có người đi chợ hoa để chọn những cành mai, cành đào dáng thật đẹp hay những chậu cúc, thược dược, quất thật rộ. Người khác lại sắm những câu đối đỏ dán hai bên ban thờ. Những vật trang trí như liễn, lồng đèn... cũng là lựa chọn của không ít nhà.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn thoát ra khỏi khuôn mẫu ấy để có một không gian đón Tết thật mới lạ, phá cách, thanh lịch, dưới đây là vài gợi ý của chúng tôi.

Tô điểm cho vườn

Dịp này, người ta thường thêm vào vườn nhà những loài hoa đặc trưng của mùa xuân như mai, cúc, thược dược, tầm xuân... Ngoài ra, bạn có thể tận dụng những cây cao có cành không quá rậm lá trong vườn hoặc những món đồ nhỏ, sao bạn không phá cách một chút với những chiếc lọ có quai treo bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng có màu trong. Nếu không muốn phải thường xuyên thay nến bên trong, bạn có thể đựt vào đó một chiếc bóng đèn nhỏ.

Phá cách với ấm chén

Bàn tiếp khách cần được chú ý đặc biệt trong khâu trang hoàng nhà cửa đón Tết. Khăn trải bàn, hoa, khay đựng bánh mứt hay bộ ấm chén đều phải tươm tất để thể hiện sự chu đáo của gia chủ.

Dù chè ngon đến mấy nhưng ấm chén sứt mẻ sẽ bị coi là không tôn trọng khách. Một bộ ấm chén đẹp, phù hợp không khí ngày Tết sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng khách.

Năm nay, thay vì những bộ ấm in hình hoa đào, mai, cúc, hay hình rồng phượng, Phúc, Lộc, Thọ truyền thống, bạn hãy chọn một bộ in hoa văn tinh tế, đơn giản. Nên chọn những bộ có màu sắc mạnh như xanh lá đậm, xanh jean. Hoa văn một màu sẽ dễ tạo sự trang nhã, đẹp nhất vẫn là trắng hoặc vàng đồng.

Không gian sum họp

Bàn ăn không chỉ là nơi gia đình sum họp mà còn thể hiện lòng hiếu khách của gia chủ. Sau đây là vài gợi ý để mang không khí Tết vào bàn ăn theo phong cách Đông - Tây giao hòa.

Đặt giữa bàn một bình thủy tinh lớn, bên trong thắp nến thơm và trang trí bằng quả quất (tắc). Thêm vài ly đựng nến màu đỏ trơn xung quanh. Điểm nhấn ở đây là những đôi đũa sơn màu đỏ. Chọn khăn trải bàn, bát đĩa màu trắng và ly thủy tinh đơn giản để làm bật lên các chi tiết khác.