Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Sự tích cây niêu ngày tết và ý nghĩa

Theo truyền thuyết và Phật thoại, xa xưa, Người và Quỷ cùng sống trên mặt đất. Quỷ cậy mạnh chiếm đoạt toàn bộ đất đai và bắt Người đi làm thuê cho chúng với những điều kiện ngày càng khắt khe.

Với trò “ăn ngọn cho gốc”, đến mùa gặt Quỷ lấy hết phần ngọn (những bông thóc), còn Người chỉ được phần gốc (rạ). Phật thương Người, mách bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người lấy hết củ, Quỷ chỉ được dây và lá khoai.

Quỷ tức tối, mùa sau quy định lại là “ăn gốc, cho ngọn”. Người liền trở về trồng lúa như cũ. Vẫn thất bại, Quỷ đòi “lấy cả gốc lẫn ngọn”. Phật mách Người nên trồng ngô. Người làm theo và lại thắng (vì bắp ngô ở khoảng giữa thân cây). Uất ức, Quỷ tịch thu toàn bộ ruộng đất, không thuê Người trồng cấy gì nữa.

Phật bảo Người thương lượng với Quỷ để mua một miếng đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa. Người sẽ trồng một cây tre, trên đó mắc áo cà sa, đất của Người là phần đất giới hạn bởi bóng áo ấy. Quỷ nghĩ chẳng đáng là bao nên đồng ý, và hai bên giao ước: đất trong bóng áo là của Người, ngoài bóng áo là của Quỷ.

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên đất trời trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất.

Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế, mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất của chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển.

Quỷ tập hợp lực lượng phản công hòng chiếm lại đất. Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt. Biết quân của Quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột nên Phật và Người sử dụng những thứ ấy làm vũ khí. Quỷ bị đại bại, bị Phật bắt, đày ra biển. Chúng van xin Phật, hàng năm, cho chúng vào thăm đất liền vài ba ngày. Phật thương tình, đồng ý.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.

Trên ngọn cây nêu, Người ta treo khánh đất nung để mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

Những ý nghĩa sâu sắc

Trồng cây nêu đã trở thành tục lệ Tết phổ biến của các dân tộc Việt Nam: từ Kinh, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai... Trên ngọn nêu, người ta thường treo một túm lá dứa, lông gà, cành đa, lá thiên tuế, những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ.

Ngoài ra có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xấp tiền, vàng mã... Dù với dụng ý khác nhau, nhưng những vật treo đều tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để dọa ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai), không cho chúng vào quấy phá.

Cái khánh đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc”: năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Tiền vàng mã để cầu tài, cầu lộc. Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp người).

Đặc biệt, cây nêu còn coi là cây vũ trụ - nối liền Đất với Trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân.

Nghi thức thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam

Nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam được coi là độc đáo, trở thành hệ thống và có ý nghĩa riêng của nó. Khởi đầu những ngôi mộ trong hang động ở vùng trung du Bắc Bộ có những vật dụng đem theo cho người chết với sự tin tưởng người chết vẫn sống ở thế giới vĩnh hằng. Con người, ông bà, tổ tiên mình có thể thành Tiên, thành thần, thành thánh, thành Phật.

Chính vì vậy, người ta lập bàn thờ, nhà thờ một cách trang trọng. Khi cúng tế, người ta luôn cầu ân đức, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu. Không chỉ ngày giỗ, ngày Tết mà còn có những dịp trong đại của con người như đám cưới, đám tang hay khi gặp hoạn nạn, làm ăn, đều khấn vái, kính cáo Tổ tiên.

Các nhà nho trước đây cho rằng thờ cúng tổ tiên chỉ để thể hiện chữ hiếu, với tinh thần chim có tổ, người có tông, uống nước nhớ nguồn.

Ngày nay, mọi gia đình người Việt Nam đều thờ tổ tiên và hầu hết đều có bàn thờ gia tiên, đó chính là quốc đạo, lấy con người làm chủ vạn vật, coi trọng âm đức, cái đức thiêng liêng của con người

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tết nhảy của người Dao

Hằng năm, ngoài việc vui xuân, đón Tết Nguyên đán như các dân tộc anh em khác, ở các bản người Dao, kể cả Dao đỏ, Dao tiền hay Dao quần chẹt, còn một ngày Tết độc đáo - Tết Nhảy. Song lễ này không tổ chức ở mọi nhà, không phải năm nào cũng tổ chức.

Tết Nhảy chỉ làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) tùy hoàn cảnh từng người để chọn năm tổ chức, thường vài năm làm một lần, nhưng không lâu quá 10 năm, như thế là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, trời đất, người có công tìm đất.

Sau khi làm cỗ cúng tri ân gia thần, gia tiên, thổ công, thần linh, chúa đất... gia chủ mời mọi người ăn cơm thịt, uống rượu hoẵng, rồi bắt đầu nhảy múa theo bài bản quy định, mạnh mẽ, hùng dũng, quyết liệt. Đây là một nội dung quan trọng, gọi là Tết Nhảy đúng như đã hứa với trời đất cho thoát hiểm dịp đi tìm đất ngày xửa, ngày xưa.

Con cháu trong họ, mặt mày hồ hởi, tư tưởng tập trung, liên tục, luân phiên nhau nhảy múa văn, múa võ, múa chuông, múa rùa, chạy cờ trong mấy ngày tết. Múa văn là biểu tượng con cháu mời ông bà, gia tiên về vui tết, phù hộ cháu con ăn nên làm ra. Múa võ là tái hiện tích ông Hành, ông Hộ vất vả, gian lao chống chọi với thiên nhiên, giặc dã, thú dữ, những tháng năm đi tìm đất, múa rùa là kính báo với 9 phương trời, 10 phương đất, chư Phật cùng Long Vương biết thực tế cuộc sống người Dao, cầu mong được các đấng thần linh che chở về sau.

Múa chạy cờ biểu tượng cho việc tập hợp lực lượng tiến quân, thu quân, đề cao ý thức cộng đồng đoàn kết thực hiện mọi lệ ước dân bản đặt ra, phép công Nhà nước để tồn tại, phát triển như các dân tộc anh em.

Điệu múa nhảy nào cũng kéo dài, cần người khỏe mạnh thay nhau tham gia, có nhiều nhạc cụ trống chiêng và không thể thiếu cái chuông nhỏ trên tay, vừa nhảy vừa lắc nhịp nhàng theo bàn tay giơ cao, hạ thấp, tạo nên thứ âm thanh náo nhiệt, ấn tượng rộn ràng, khỏe khoắn, thu hút nhân tâm.

Tết Nhảy của người Dao đỏ giáp biên giới Việt - Trung cũng được chuẩn bị khá công phu. Trước Tết, nam giới đã ôn luyện các điệu múa cổ truyền. Phụ nữ chuẩn bị quần áo mới cho cả nhà. Mọi người trong họ tham gia cùng tộc trưởng lo tết: trang trí bàn thờ Tổ, dán tranh biểu tượng mào gà trống và tam thanh, nóc bàn thờ rực rỡ bản vẽ “mặt trời” đỏ rực, đôi câu đối “Người yên vật thịnh”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Sáng sớm mồng 1 Tết, cả gia tộc tề tựu quanh bàn thờ, khi làm xong lễ kính báo gia tiên, người người cầm dao, vác cuốc ra vườn, gia chủ giận dữ vung dao hỏi tội một cây (đào, mơ, hoặc mận) trong vườn: “Mày được tao vun trồng, sao không ra quả cho tao? Tao phải chặt đổ mày”. Một người trong họ đứng ra xin: "Xin ông xá tội đừng chặt tôi, mai đây, tôi sẽ ra quả (hàm ý tri ân người dày công vun xới), bèn được gia chủ tha cho".

Bắt đầu vào giờ Thìn (8h sáng), Tết Nhảy bắt đầu trước bàn thờ Tổ. Đám thanh niên gọi là “sài cỏ” theo thầy cả “chái peng pi” tổ chức nhảy 14 điệu, diễn tả các động tác mở đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự Tết. Điệu nhảy chào bố mẹ, tổ tiên thì nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần bằng điệu múa cò, mô phỏng cò bay, dang hai tay vẫy vẫy nhịp nhàng. Điệu mời tổ sư thầy cả diễn tả điệu đi của hổ..., điệu nào cũng náo nhiệt, phong phú, ấn tượng.

Cả họ chuyển sang rước tượng tổ tiên. Tượng được chạm khắc đẹp, cao hơn gang tay, con cháu dùng nước thơm chế từ vỏ cây “xum mu”, tắm tượng, thay khăn quàng mới, rồi con cháu nhảy điệu “dâng gà”. Họ cầm con gà trống đỏ, vàng nhảy nhiều động tác kính trọng tổ tiên, đặt gà trên đầu, vác gà qua vai, vừa múa vừa vặt lông đầu gà.

Tết Nhảy của người Dao đỏ diễn ra 10 giờ liền, kết thúc là điệu múa cờ.

Phong tục cúng lễ ngày Tết

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà. Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Vì vậy gần đến ngày Tết mọi người ai cũng lo trang trí bàn thờ tổ tiên để đón năm mới.

Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn.

Cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương.

Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng.

Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Cúng ông Táo: Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình.

Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.

Cúng Tất niên: Lúc đầu được hiểu như là hoàn tất (công việc) trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng, nên dần dà mọi người ai cũng đều cúng, nhưng là cúng “Tạ chỗ Đất đai” sau một năm làm ăn…Và lễ cúng được cúng tại nhà, kể cả lễ cúng tại công ty… Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.

Chúc Tết, mừng tuổi, xuất hành, hái lộc và xông đất đầu năm

Chúc Tết và mừng tuổiSáng sớm mồng một Tết hay ngày “Chính đán”, mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng và mừng tuổi lẫn nhau.

Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người tự nhiên tăng lên một tuổi. Bởi vậy ngày mồng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên; và người lớn thì “mừng tuổi” trẻ em một cách cụ thể bằng những đồng tiền mới bỏ trong những “phong bao”.

Tục này ở Việt Nam quen gọi là “lì xì”. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là “Tiền mở hàng”. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Về chúc Tết, trong ba ngày Tết, những thân bằng quyến thuộc hoặc nhữngngười phải chịu ơn người khác thường phải đi chúc Tết và mừng tuổi gia chủ; sau đó xin lễ ở bàn thờ Tổ tiên của gia chủ.

Tục này ngày nay ít còn, vì thì giờ eo hẹp, đường sá xa xôi cho nên đã được thay thế bằng những tấm thiệp “Chúc Mừng Năm mới” hay “Cung Chúc Tân Xuân”.

Xuất hành và hái lộc

Đầu năm mới, người Việt Nam còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần…

Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu.

Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt Nam còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”.

Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành xi, cây xương rồng… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên.

Xông đất

Với ngày đầu tiên trong năm còn gọi là Nguyên Đán, Tết đã có một ý nghĩa dặc biệt trang nghiêm. Vì ngày đó bắt đầu một năm nên mọi công việc làm trong khoảng 24 tiếng đồng hồ đều có ảnh hưởng trọn năm.

Sự xông đất, xuất hành những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điều mà ai cũng phải cẩn ngôn cẩn trọng. Trong tất cả mọi việc có tục xông đất được coi là quan trọng hơn hết.

Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả do sự may mắn đưa đến!

Do đó, mọi người đã cân nhắc kỹ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về tính tình, hạn vận khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm là hệ trọng hơn cả.

Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đến việc làm ăn cho cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến đầu tiên trong ngày Nguyên Đán để long trọng mang lại giúp họ sự tốt lành suốt năm mới.

Mặc dù đã tính toán như vậy, vẫn có người khách bất ngờ đột xuất đến xông đất trước sự ngạc nhiên của cả gia đình và làm xáo trộn những toan tính không thể thực hiện được một cách chính xác như ý mong muốn.

Tuy nhiên để đề phòng những sự kiện này xảy đến, trong buổi sáng tinh mơ các cửa ngõ đều đóng chặt và chỉ mở khi nào người được chọn tới xông đất mà thôi.

Như thế đủ chứng tỏ rằng cổ lệ xông đất ngày Tết được mọi người coi là quan trọng nhất trong một năm.

Ba ngày tết

Mùng một Tết
Mùng một Tết là ngày đầu trong năm, thường dành riêng cho gia đình nhỏ của mình và gia đình bố mẹ chồng. Mừng tuổi và chúc tết, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ.

Sau đó, ông bà cha mẹ và người lớn lì xì mừng tuổi cho trẻ con. Lì xì đây là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn cho trẻ con kèm lời chúc khuyến khích trẻ con cố gắng học và sống hòa thuận với những người chung quanh.

Thức ăn, bánh trái, kẹo mứt, rượu bia thuốc lá, hoa quả đã bày đầy trên bàn thờ, giờ đây mọi người tới lễ lạy tổ tiên, rồi khi nhang tàn hạ thức ăn xuống cả nhà cùng ăn, nói cười rộn rã.

Người khách đầu tiên bước vào nhà gọi là xông đất, được ví như là người mang đến vận hên xui cho gia chủ năm đó. Thế nên có nhiều gia đình rất cẩn thận, họ xếp đặt để chọn người khỏe mạnh tươi tắn, hợp tuổi với chủ nhà để mang nhiều may mắn đến nhà mình.

Mùng hai Tết

Mùng hai Tết là ngày thứ nhì trong năm mới, thường dành để thăm viếng và chúc tết gia đình bên vợ và gia đình những người bạn thân.

Đi tới đâu trẻ con cũng được lì xì và nhiều bàn đánh bài hay xổ số được mở ra để mọi người thử vận hên xui cho năm mới.

Mùng ba Tết

Mùng ba Tết là ngày thứ ba trong năm mới. Mối giây liên hệ xã giao mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Mình đi chúc tết bè bạn, thầy giáo, ông bà xếp, hàng xóm…

Tối ngày này là bữa cơm cúng tiễn đưa tổ tiên về lại thiên đường. Có nhiều gia đình tin theo lời truyền, họ đốt vàng mã là những thỏi vàng bạc giả bằng giấy để gửi tiền lộ phí cho tổ tiên về chầu trời.

Phong tục đón giao thừa trên thế giới

Vào lúc giao thừa, dân các bang miền Nam nước Mỹ cố gắng ăn thật nhiều củ cải và đậu mắt đen, bởi mỗi củ cải sẽ giúp họ kiếm được hẳn 1.000 đôla, còn mỗi hạt đậu tương ứng với 100 cent cho năm mới! Nhưng theo các cụ già, phải xơi ít nhất 365 hạt thì ước muốn này mới ứng nghiệm.

Đốt "Ngài năm cũ" (Mr.Old Year) là phong tục truyền thống của người dân Columbia. Trong dịp năm mới, mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là "ngài năm cũ", sau đó họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua, tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách lạc quan của người Columbia.

Ở Mexico, các thành viên trong gia đình thường quây quần tại nhà vào giờ phút đón giao thừa. Khi thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới điểm, mọi người chăm chú lắng nghe 12 tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Sau từng tiếng chuông, mỗi người lại cho một trái nho vào miệng và thầm cầu nguyện.

Người Hy Lạp thì có phong tục kể cho trẻ em nghe các câu chuyện về lòng nhân ái của Thánh Basil - người đã mang đến cho các em những món quà nhỏ còn gọi là "bánh Thánh Basil". Sau đó, các em nhỏ được tặng loại bánh này, ai nhận chiếc bánh có đồng tiền sẽ là người may mắn.

Ở Tây Ban Nha cũng có tục ăn 12 trái nho khi nghe 12 tiếng chuông nhà thờ lúc giao thừa. Điều thú vị là sau mỗi tiếng chuông, hầu như không ai nuốt kịp hết những trái nho và như thế khi năm mới đến, trong miệng mỗi người đều đang đầy chặt loại quả này. Tục lệ ấy cũng thể hiện niềm mong muốn sang năm mới mọi người sẽ có những vụ mùa nho bội thu.

Tết của Thái Lan hơi đặc biệt bởi nó rơi vào ngày 13/4 hằng năm và kéo dài 3 ngày gọi là tết Songkran và mọi người thường té nước vào nhau để chúc may mắn. Bọn trẻ thường nấp ở những góc phố rồi bất chợt ào ra đổ nước khi có người đi qua. Thanh niên thường đi xe máy hoặc ngồi ôtô tải với những thùng nước trong tay để chúc may mắn cho ai đó bằng cách biến họ thành những con chuột lột, nhưng tất cả mọi người đều rất vui vẻ khi bị ướt sũng như vậy.

Ở bang British Columbia của Canada thì mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, đều mặc đồ tắm và nhảy xuống dòng nước lạnh như băng khi năm mới đến. Ngày đầu năm ở Canada, quốc gia nằm gần Bắc cực, thường trùng với thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông.

Người Ấn Độ có phong tục đón Tết kỳ lạ: vào dịp giao thừa, người ta vây quanh đống lửa ca hát, nhảy múa chào đón năm mới và dùng bột mỳ kỳ cọ cơ thể rồi lao vút vào đống lửa. Ở những nơi công cộng, người ta để sẵn thùng bột màu để mọi người tạt vào nhau. Ai bị bôi bột màu sẽ là người được nhiều hạnh phúc trong năm mới.

Trong khi đó ở Scotland, người dân một số vùng lại có cách đón năm mới toát mồ hôi. Mọi người đốt cháy những thùng có chứa nhựa đường bên trong rồi lăn chúng ra phố hoặc ấn tượng hơn là chuyền cái thùng đang rừng rực lửa đó qua vai những người đàn ông dũng cảm. Theo họ, như vậy năm cũ đã đốt đi và mở đường cho năm mới đến. Người Scotland cũng có tục xông đất như ở Việt Nam. Việc gặp may mắn hay xui xẻo trong năm phụ thuộc vào người đầu tiên bước vào nhà trong ngày đầu năm mới. Theo họ, "đối tượng" có thể mang đến vận hên là những người đàn ông có bộ tóc màu đen và đến nhà bạn khi tay đang cầm một món quà.

Người dân Trung Quốc cũng coi than là bùa hộ mệnh. Một viên than giấu vào giấy đỏ đặt ở ngưỡng cửa được coi là niềm may mắn mang lại hạnh phúc cho cả năm. Riêng ở vùng núi Tây Tạng lại có tục lệ xông nhà vào lúc giao thừa, họ kiêng không dùng người trong nhà để xông đất mà phải là người không thân thích với gia chủ.

Tục chọn người xông nhà đầu năm

Xông nhà còn gọi là đạp đất. Chưa rõ nguồn gốc từ đâu nhưng tục lệ này được mọi người tin theo và đã trở thành một tập tục lâu đời của người Việt chúng ta.


Tục chọn người xông nhà đầu năm

Người ta tin rằng sáng ngày mùng một Tết, người đầu tiên bước vào sân nhà ai là đem theo với họ không những thời vận mà còn cả cá tính của người ấy và ảnh hưởng lên mọi người cư ngụ trong ngôi nhà suốt cả năm.

Hơn nữa, để tránh những chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, gây trắc trở, gia chủ thường cẩn thận hỏi tuổi của người mà mình muốn nhờ xông nhà(hay đạp đất) để chắc chắn không bị xung khắc, sợ bị lấy đi bớt sự may mắn.

Viêc nhờ vả này thường diễn ra trong chỗ thân tình, quý nể nhau và lời yêu cầu phải đưa ra càng sớm càng tốt. Người xông nhà được chọn thường là đàn ông, được tin là nhẹ vía, có gia cảnh đề huề, êm ấm, dễ mang lại sự tốt lành.

Có nhà kỹ lưỡng hơn, còn dựa vào sao chiếu mệnh của người xông nhà. Nếu là Thái Dương thì rất tốt, công danh tài lộc sáng sủa hưng vượng. Nếu là sao Thái Bạch thì sạch cửa nhà, năm đó không nên nhận lời xông nhà cho ai cả.

Người ta tránh nhất những người tính tình bẳn gắt, keo kiệt hay gian ác, sức khỏe èo uột, cờ bạc, ruợu chè hoặc vợ nọ con kia, những người đang chịu tang…v.v…

Giữa đêm ba mươi, sau khi cúng giao thừa, cửa đóng lại là nội bất xuất, ngoại bất nhập, trẻ con không được lăng xăng chạy ra chạy vào, chờ sáng mùng một người tới xông nhà.

Người tới xông nhà mặc quần áp đẹp, chào hỏi gia chủ, đôi bên cùng nói những lời chúc tụng tốt đẹp nhất rồi an vị, uống trà hay ruợu ngọt xong sẽ lì xì làm phép cho con cháu trong nhà lấy hên.

Cũng có khi gia chủ không chọn được ai hay không muốn nhờ vả ai thì tự xông nhà lấy bằng cách rời khỏi nhà lúc còn năm cũ, đi lễ chùa xin lộc đầu năm và trở về sau nửa đêm để là người đầu tiên dẫm chân vào sân nhà.

Trong trường hợp này, người trong gia đình sẽ chuẩn bị nghênh tiếp vị gia trưởng như người khách quý đến xông nhà, đem sự an vui, thịnh vượng đến cho những người thân của mình. Bánh mứt sẽ được dọn ra, trà thơm được châm lên, mọi người sẽ cùng nhau nhấm nháp hương xuân đầu năm trong không khí đầm ấm và tràn trề hy vọng mới.

Ngoài ra, ngày mùng một Tết, người trong gia đình kiêng rời nhà đi xa cũng như khách khứa không nên tới ở lại.