Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Tranh dân gian ngày tết

Trong tất cả các loại tranh tết Việt Nam, có lẽ đa dạng và độc đáo nhất là tranh dân gian. Đây là loại tranh trường tồn cùng lịch sử, không trau truốt cầu kỳ như các loại tranh khác mà mang đậm tính dân tộc.

Trong các làng tranh dân gian Việt Nam, nổi bật nhất là làng tranh Đông Hồ, nằm ở ven sông Đuống. Tranh được làm từ giấy dó, quét phủ một lớp điệp óng ánh làm cho màu in thêm rực rỡ. Từ thời xa xưa, tranh dân gian Đông Hồ đã nổi tiếng là rẻ và đẹp, được nhiều nơi ưa thích.

Ở phố Hàng Trống (Hà Nội) cũng có nhiều người làm tranh dân gian, nhưng chủ yếu là vẽ tranh thờ (hổ, rồng, thần, thánh...). Họ làm bằng kỹ thuật kết hợp đường nét in đen từ bàn khắc gỗ với việc tô màu phẩm bằng tay. Nghệ sỹ vẽ tranh dùng bút màu quét phẩm nước, tạo nên những gam màu đậm nhạt lung linh.

Mỗi bức tranh dân gian đều mang một ý nghĩa nhân sinh riêng, biểu hiện nhiều góc độ tâm trạng của con người. Dễ thấy nhất là tranh vẽ đàn gà, tượng trưng cho tình mẫu tử và sự sum họp đông vui. Tranh mẹ con đàn lợn tượng trưng cho cuộc sống no ấm và cảnh chăn nuôi ở nhà nông.

Tranh gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho ý chí kiên trung, bất khuất của trang nam nhi quân tử và cũng thể hiện cho 5 đức tính quý của con người: văn (vẻ đẹp – mào gà); vũ (cứng rắn – cựa gà); nhân (lòng thương yêu đồng loại – khi kiếm được mồi luôn gọi đàn đến cùng ăn); dũng (sức mạnh – gặp kẻ thù thì kiên quyết chống lại); tín (hàng ngày báo giờ rất đúng). Tranh gà đẹp và ý nghĩa như thế, nên nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã viết trong bài thơ Chợ tết: “Lũ trẻ còn mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi”.

Tranh đám cưới chuột là minh chứng sống động và hóm hỉnh cho quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội. Chuột làm đám cưới phải lo lễ vật cống cho mèo, cầu xin mèo để yên cho đám cưới được tiến hành.

Tranh đánh ghen thì có tính giáo dục những ông chồng hay trăng hoa, đề cao đức tính nhẫn nhịn của người vợ và vai trò của người phụ nữ trong xã hội.Tranh hứng dừa là cái cười tinh tế của dân gian trước sự hớ hênh ô tình của các cô gái... Tất cả đều là những sinh hoạt thường ngày của con người, được vẽ cách điệu tài tình, làm cho cuộc sống vui tươi, sống động.

Tranh dân gian cũng đã có số lượng khá nhiều về đề tài lịch sử như bà Trưng Trắc cưỡi voi xung trận, Ngô Quyền đánh Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lay tập trận... Đó là những bức tranh tạo nên sự hùng tráng và niềm tự hào dân tộc. Ngoài ra, có những bức tranh được đặc biệt yêu thích như tranh Phú quý (đứa bé tóc trái đào giữ con vật), Vinh hoa (cậu bé ôm con gà trống), Thất đồng (7 cậu bé hồn nhiên hái quả), Tứ tôn vạn đại (4 cậu bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)...

Tranh dân gian được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng có điểm giống nhau là đều đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. Nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là mỗi khi tết đến xuân về. 

20 câu đối hay ngày Tết

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Chơi câu đối người ta chọn từng đôi cho hợp với cảnh, bởi vậy nhiều người tự nghĩ lấy câu đối, viết lấy hoặc thuê ông đồ viết giúp.

1. Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai
Dịch:
Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến
Nhà có người vào lắm vật vào

2. Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh
Dịch:
Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú cảnh đời đời


3. Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
Lược dịch:
Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ
Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà

4. Tổ tôn công đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương
Dịch:
Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh
Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay

5. Xuân như cẩm tú, nhân như ngọc
Khách mãn gia đình, tửu mãn tôn
Lược dịch:
Xuân như cẩm tú, người như ngọc
Khách chật trong nhà, rượu hết chung

6. Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh
Lộc tiến vinh hoa phú qúy xuân
Dịch:
Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh
Lộc nảy vinh hoa phú qúy xuân

7. Niên niên như ý xuân
Tuế tuế bình an nhật
Dịch:
Năm năm xuân như ý
Tuổi tuổi ngày bình an

8. Nhập môn tân thị kinh luân khách
Mãn tọa dai đồng cẩm tú nhân
Dịch:
Vào cửa toàn khách kinh luân
Ngồi chơi toàn người cẩm tú

9. Niệm tiên tổ, duật tu quyết đức
Khải hậu nhân,trường phát kỳ tường
Dịch:
Nhớ tổ tiên, đẹp điều nhân đức
Tin cháu con bền sự lạ hay

10. Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức
Bố y tùy phận, cầu phúc đức lai tài
Dịch:
Nhà cỏ ở yên, tích kim quang được đức
Áo vải an thân, cầu phúc đức đến tài

11. Thiên địa vô tư, tích thiện tự nhiên thiện
Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ vinh
Dịch:
Trời đất vô tư, làm điều thiện tự nhiên được thiện
Thánh hiền có dạy, lo tu thân có thể được vinh

12. Tân niên, hạnh phúc bình an tiến
 Xuân nhật, vinh hoa phú qúy lai
Lược dịch: Năm mới, hạnh phúc bình an đến 

Ngày xuân, vinh hoa phú qúy về
13. Ðịa sinh tài, thế nghiệp quang huy
Thiên tứ phúc, gia thanh hiện thái
Dịch:
Ðất sinh tài nghiệp đời sán lạn
Trời ban phúc, nhà tiếng tốt tươi

14. Phúc mãn đường, niên tăng phú qúy
Ðức lưu quang, nhật tiến vinh hoa
Dịch:
Phúc đầy nhà, năm thêm giàu có
Ðức ngập tràn, ngày một vinh hoa

15. Trúc bảo bình an, tài lợi tiến
Mai khai phú qúy, lộc quyền lai
Lược dịch: Trúc giữ bình yên, thêm tài lợi 

Mai khai phú qúy, lại lộc quyền
16. Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tích học hiển gia phong
Dịch:
Tiên tổ danh thơm ghi sử nước
Cháu con tích học nổi cơ nhà

17. Liên tọa đài tiền hoa hữu thực
Bồ đề thụ thượng qủa thanh nhàn
Lược dịch: Tòa sen đài trước hoa đầy đủ 

Cổ thụ bồ đề qủa thanh nhàn
18. Đa lộc, đa tài, đa phú quý
Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm
Dịch:
Nhiều lộc, nhiều tài, nhiều của cải
Gặp thời, được lợi, được lòng người

19. Ngoài cửa mừng Xuân nghênh Ngũ Phúc
Trong nhà chúc Tết hưởng Tam Ða
Dịch:
Ngũ phúc lâm môn … còn thiếu
Tam nguyên khai thái … có thừa

20. “Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càng khôn, phúc mãn đường”
Dịch:
Trời thêm tuổi mới, năm thêm thọ
Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà

Sự tích cây niêu ngày tết và ý nghĩa

Theo truyền thuyết và Phật thoại, xa xưa, Người và Quỷ cùng sống trên mặt đất. Quỷ cậy mạnh chiếm đoạt toàn bộ đất đai và bắt Người đi làm thuê cho chúng với những điều kiện ngày càng khắt khe.

Với trò “ăn ngọn cho gốc”, đến mùa gặt Quỷ lấy hết phần ngọn (những bông thóc), còn Người chỉ được phần gốc (rạ). Phật thương Người, mách bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người lấy hết củ, Quỷ chỉ được dây và lá khoai.

Quỷ tức tối, mùa sau quy định lại là “ăn gốc, cho ngọn”. Người liền trở về trồng lúa như cũ. Vẫn thất bại, Quỷ đòi “lấy cả gốc lẫn ngọn”. Phật mách Người nên trồng ngô. Người làm theo và lại thắng (vì bắp ngô ở khoảng giữa thân cây). Uất ức, Quỷ tịch thu toàn bộ ruộng đất, không thuê Người trồng cấy gì nữa.

Phật bảo Người thương lượng với Quỷ để mua một miếng đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa. Người sẽ trồng một cây tre, trên đó mắc áo cà sa, đất của Người là phần đất giới hạn bởi bóng áo ấy. Quỷ nghĩ chẳng đáng là bao nên đồng ý, và hai bên giao ước: đất trong bóng áo là của Người, ngoài bóng áo là của Quỷ.

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên đất trời trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất.

Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế, mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất của chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển.

Quỷ tập hợp lực lượng phản công hòng chiếm lại đất. Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt. Biết quân của Quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột nên Phật và Người sử dụng những thứ ấy làm vũ khí. Quỷ bị đại bại, bị Phật bắt, đày ra biển. Chúng van xin Phật, hàng năm, cho chúng vào thăm đất liền vài ba ngày. Phật thương tình, đồng ý.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.

Trên ngọn cây nêu, Người ta treo khánh đất nung để mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

Những ý nghĩa sâu sắc

Trồng cây nêu đã trở thành tục lệ Tết phổ biến của các dân tộc Việt Nam: từ Kinh, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai... Trên ngọn nêu, người ta thường treo một túm lá dứa, lông gà, cành đa, lá thiên tuế, những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ.

Ngoài ra có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xấp tiền, vàng mã... Dù với dụng ý khác nhau, nhưng những vật treo đều tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để dọa ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai), không cho chúng vào quấy phá.

Cái khánh đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc”: năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Tiền vàng mã để cầu tài, cầu lộc. Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp người).

Đặc biệt, cây nêu còn coi là cây vũ trụ - nối liền Đất với Trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân.

Nghi thức thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam

Nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam được coi là độc đáo, trở thành hệ thống và có ý nghĩa riêng của nó. Khởi đầu những ngôi mộ trong hang động ở vùng trung du Bắc Bộ có những vật dụng đem theo cho người chết với sự tin tưởng người chết vẫn sống ở thế giới vĩnh hằng. Con người, ông bà, tổ tiên mình có thể thành Tiên, thành thần, thành thánh, thành Phật.

Chính vì vậy, người ta lập bàn thờ, nhà thờ một cách trang trọng. Khi cúng tế, người ta luôn cầu ân đức, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu. Không chỉ ngày giỗ, ngày Tết mà còn có những dịp trong đại của con người như đám cưới, đám tang hay khi gặp hoạn nạn, làm ăn, đều khấn vái, kính cáo Tổ tiên.

Các nhà nho trước đây cho rằng thờ cúng tổ tiên chỉ để thể hiện chữ hiếu, với tinh thần chim có tổ, người có tông, uống nước nhớ nguồn.

Ngày nay, mọi gia đình người Việt Nam đều thờ tổ tiên và hầu hết đều có bàn thờ gia tiên, đó chính là quốc đạo, lấy con người làm chủ vạn vật, coi trọng âm đức, cái đức thiêng liêng của con người

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tết nhảy của người Dao

Hằng năm, ngoài việc vui xuân, đón Tết Nguyên đán như các dân tộc anh em khác, ở các bản người Dao, kể cả Dao đỏ, Dao tiền hay Dao quần chẹt, còn một ngày Tết độc đáo - Tết Nhảy. Song lễ này không tổ chức ở mọi nhà, không phải năm nào cũng tổ chức.

Tết Nhảy chỉ làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) tùy hoàn cảnh từng người để chọn năm tổ chức, thường vài năm làm một lần, nhưng không lâu quá 10 năm, như thế là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, trời đất, người có công tìm đất.

Sau khi làm cỗ cúng tri ân gia thần, gia tiên, thổ công, thần linh, chúa đất... gia chủ mời mọi người ăn cơm thịt, uống rượu hoẵng, rồi bắt đầu nhảy múa theo bài bản quy định, mạnh mẽ, hùng dũng, quyết liệt. Đây là một nội dung quan trọng, gọi là Tết Nhảy đúng như đã hứa với trời đất cho thoát hiểm dịp đi tìm đất ngày xửa, ngày xưa.

Con cháu trong họ, mặt mày hồ hởi, tư tưởng tập trung, liên tục, luân phiên nhau nhảy múa văn, múa võ, múa chuông, múa rùa, chạy cờ trong mấy ngày tết. Múa văn là biểu tượng con cháu mời ông bà, gia tiên về vui tết, phù hộ cháu con ăn nên làm ra. Múa võ là tái hiện tích ông Hành, ông Hộ vất vả, gian lao chống chọi với thiên nhiên, giặc dã, thú dữ, những tháng năm đi tìm đất, múa rùa là kính báo với 9 phương trời, 10 phương đất, chư Phật cùng Long Vương biết thực tế cuộc sống người Dao, cầu mong được các đấng thần linh che chở về sau.

Múa chạy cờ biểu tượng cho việc tập hợp lực lượng tiến quân, thu quân, đề cao ý thức cộng đồng đoàn kết thực hiện mọi lệ ước dân bản đặt ra, phép công Nhà nước để tồn tại, phát triển như các dân tộc anh em.

Điệu múa nhảy nào cũng kéo dài, cần người khỏe mạnh thay nhau tham gia, có nhiều nhạc cụ trống chiêng và không thể thiếu cái chuông nhỏ trên tay, vừa nhảy vừa lắc nhịp nhàng theo bàn tay giơ cao, hạ thấp, tạo nên thứ âm thanh náo nhiệt, ấn tượng rộn ràng, khỏe khoắn, thu hút nhân tâm.

Tết Nhảy của người Dao đỏ giáp biên giới Việt - Trung cũng được chuẩn bị khá công phu. Trước Tết, nam giới đã ôn luyện các điệu múa cổ truyền. Phụ nữ chuẩn bị quần áo mới cho cả nhà. Mọi người trong họ tham gia cùng tộc trưởng lo tết: trang trí bàn thờ Tổ, dán tranh biểu tượng mào gà trống và tam thanh, nóc bàn thờ rực rỡ bản vẽ “mặt trời” đỏ rực, đôi câu đối “Người yên vật thịnh”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Sáng sớm mồng 1 Tết, cả gia tộc tề tựu quanh bàn thờ, khi làm xong lễ kính báo gia tiên, người người cầm dao, vác cuốc ra vườn, gia chủ giận dữ vung dao hỏi tội một cây (đào, mơ, hoặc mận) trong vườn: “Mày được tao vun trồng, sao không ra quả cho tao? Tao phải chặt đổ mày”. Một người trong họ đứng ra xin: "Xin ông xá tội đừng chặt tôi, mai đây, tôi sẽ ra quả (hàm ý tri ân người dày công vun xới), bèn được gia chủ tha cho".

Bắt đầu vào giờ Thìn (8h sáng), Tết Nhảy bắt đầu trước bàn thờ Tổ. Đám thanh niên gọi là “sài cỏ” theo thầy cả “chái peng pi” tổ chức nhảy 14 điệu, diễn tả các động tác mở đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự Tết. Điệu nhảy chào bố mẹ, tổ tiên thì nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần bằng điệu múa cò, mô phỏng cò bay, dang hai tay vẫy vẫy nhịp nhàng. Điệu mời tổ sư thầy cả diễn tả điệu đi của hổ..., điệu nào cũng náo nhiệt, phong phú, ấn tượng.

Cả họ chuyển sang rước tượng tổ tiên. Tượng được chạm khắc đẹp, cao hơn gang tay, con cháu dùng nước thơm chế từ vỏ cây “xum mu”, tắm tượng, thay khăn quàng mới, rồi con cháu nhảy điệu “dâng gà”. Họ cầm con gà trống đỏ, vàng nhảy nhiều động tác kính trọng tổ tiên, đặt gà trên đầu, vác gà qua vai, vừa múa vừa vặt lông đầu gà.

Tết Nhảy của người Dao đỏ diễn ra 10 giờ liền, kết thúc là điệu múa cờ.

Phong tục cúng lễ ngày Tết

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà. Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Vì vậy gần đến ngày Tết mọi người ai cũng lo trang trí bàn thờ tổ tiên để đón năm mới.

Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn.

Cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương.

Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng.

Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Cúng ông Táo: Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình.

Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.

Cúng Tất niên: Lúc đầu được hiểu như là hoàn tất (công việc) trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng, nên dần dà mọi người ai cũng đều cúng, nhưng là cúng “Tạ chỗ Đất đai” sau một năm làm ăn…Và lễ cúng được cúng tại nhà, kể cả lễ cúng tại công ty… Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.

Chúc Tết, mừng tuổi, xuất hành, hái lộc và xông đất đầu năm

Chúc Tết và mừng tuổiSáng sớm mồng một Tết hay ngày “Chính đán”, mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng và mừng tuổi lẫn nhau.

Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người tự nhiên tăng lên một tuổi. Bởi vậy ngày mồng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên; và người lớn thì “mừng tuổi” trẻ em một cách cụ thể bằng những đồng tiền mới bỏ trong những “phong bao”.

Tục này ở Việt Nam quen gọi là “lì xì”. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là “Tiền mở hàng”. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Về chúc Tết, trong ba ngày Tết, những thân bằng quyến thuộc hoặc nhữngngười phải chịu ơn người khác thường phải đi chúc Tết và mừng tuổi gia chủ; sau đó xin lễ ở bàn thờ Tổ tiên của gia chủ.

Tục này ngày nay ít còn, vì thì giờ eo hẹp, đường sá xa xôi cho nên đã được thay thế bằng những tấm thiệp “Chúc Mừng Năm mới” hay “Cung Chúc Tân Xuân”.

Xuất hành và hái lộc

Đầu năm mới, người Việt Nam còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần…

Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu.

Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt Nam còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”.

Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành xi, cây xương rồng… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên.

Xông đất

Với ngày đầu tiên trong năm còn gọi là Nguyên Đán, Tết đã có một ý nghĩa dặc biệt trang nghiêm. Vì ngày đó bắt đầu một năm nên mọi công việc làm trong khoảng 24 tiếng đồng hồ đều có ảnh hưởng trọn năm.

Sự xông đất, xuất hành những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điều mà ai cũng phải cẩn ngôn cẩn trọng. Trong tất cả mọi việc có tục xông đất được coi là quan trọng hơn hết.

Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả do sự may mắn đưa đến!

Do đó, mọi người đã cân nhắc kỹ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về tính tình, hạn vận khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm là hệ trọng hơn cả.

Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đến việc làm ăn cho cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến đầu tiên trong ngày Nguyên Đán để long trọng mang lại giúp họ sự tốt lành suốt năm mới.

Mặc dù đã tính toán như vậy, vẫn có người khách bất ngờ đột xuất đến xông đất trước sự ngạc nhiên của cả gia đình và làm xáo trộn những toan tính không thể thực hiện được một cách chính xác như ý mong muốn.

Tuy nhiên để đề phòng những sự kiện này xảy đến, trong buổi sáng tinh mơ các cửa ngõ đều đóng chặt và chỉ mở khi nào người được chọn tới xông đất mà thôi.

Như thế đủ chứng tỏ rằng cổ lệ xông đất ngày Tết được mọi người coi là quan trọng nhất trong một năm.

Ba ngày tết

Mùng một Tết
Mùng một Tết là ngày đầu trong năm, thường dành riêng cho gia đình nhỏ của mình và gia đình bố mẹ chồng. Mừng tuổi và chúc tết, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ.

Sau đó, ông bà cha mẹ và người lớn lì xì mừng tuổi cho trẻ con. Lì xì đây là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn cho trẻ con kèm lời chúc khuyến khích trẻ con cố gắng học và sống hòa thuận với những người chung quanh.

Thức ăn, bánh trái, kẹo mứt, rượu bia thuốc lá, hoa quả đã bày đầy trên bàn thờ, giờ đây mọi người tới lễ lạy tổ tiên, rồi khi nhang tàn hạ thức ăn xuống cả nhà cùng ăn, nói cười rộn rã.

Người khách đầu tiên bước vào nhà gọi là xông đất, được ví như là người mang đến vận hên xui cho gia chủ năm đó. Thế nên có nhiều gia đình rất cẩn thận, họ xếp đặt để chọn người khỏe mạnh tươi tắn, hợp tuổi với chủ nhà để mang nhiều may mắn đến nhà mình.

Mùng hai Tết

Mùng hai Tết là ngày thứ nhì trong năm mới, thường dành để thăm viếng và chúc tết gia đình bên vợ và gia đình những người bạn thân.

Đi tới đâu trẻ con cũng được lì xì và nhiều bàn đánh bài hay xổ số được mở ra để mọi người thử vận hên xui cho năm mới.

Mùng ba Tết

Mùng ba Tết là ngày thứ ba trong năm mới. Mối giây liên hệ xã giao mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Mình đi chúc tết bè bạn, thầy giáo, ông bà xếp, hàng xóm…

Tối ngày này là bữa cơm cúng tiễn đưa tổ tiên về lại thiên đường. Có nhiều gia đình tin theo lời truyền, họ đốt vàng mã là những thỏi vàng bạc giả bằng giấy để gửi tiền lộ phí cho tổ tiên về chầu trời.