Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán (gọi tắt là Tết), được coi là một lễ hội lớn nhất trong năm của Việt Nam. Được bắt đầu vào ngày đầu tiên trong năm mới của lịch âm, Tết là kỳ nghỉ dài nhất mà có thể kéo dài từ 7-9 ngày. Đây là dịp để người Việt bày tỏ sự kính trọng và tưởng nhớ đến tổ tiên cũng như sum họp với gia đình.

Tết giữ vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của người Việt, vào những ngày cuối của năm củ, mọi người sẽ dọn dẹp và trang trí nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, đặc biệt là chăm sóc cơ thể, mua sắm quần áo mới. Cũng như các nước châu Á khác, người Việt tin tưởng rằng màu đỏ và màu vàng sẽ mang lại may mắn, vì thế đây thường là những màu được nhìn thấy mọi nơi trong dịp tết.

Các sự kiện quan trọng trong dịp tết
1. Tết Táo Quân - ngày 23 tháng 12
2. Tất niên - ngày 30 tháng 12
4. Giao thừa
5. Ba ngày đầu tiên của năm mới: thăm bên nội vào ngày đầu tiên, bên ngoại vào ngày thứ hai và giáo viên vào ngày thứ ba
6. Thăm người thân, bạn bè và hàng xóm: có thể diễn ra từ ngày 03-ngày 05 tháng một
7. Hóa vàng: ngày 04 tháng 1
8. Khai trương đầu năm: thường là chủ sở hữu chọn một ngày tốt phù hợp với độ tuổi của mình
9. Tết Nguyên Tiêu: 15 Tháng 1

Thực phẩm trong dịp Tết
Những thực phẩm thường được sử dụng trong ngày tết:
- Bánh chưng, bánh tét
- Dưa hành
- Gà luộc
- Chả
- Xôi
- Các loại hạt rang và mứt 

Hà Nội bắn pháo hoa tại 29 điểm đêm giao thừa

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm Quý Tỵ và Giáp Ngọ, Hà Nội sẽ có 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao và 24 điểm bắn tầm thấp.

Theo kế hoạch của UBND Hà Nội, 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao là hồ Hoàn Kiếm (2 điểm trước Bưu điện Hà Nội và trụ sở Báo Hà Nội Mới), công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông). Dự kiến mỗi điểm sẽ bắn 500 quả pháo trong 15 phút.

Từ 18 đến 30 tháng Chạp, Sở Công thương Hà Nội cũng dự kiến tổ chức 54 chợ hoa xuân, trong đó 24 điểm ở nội thành và 30 điểm ở ngoại thành.Còn 24 điểm bắn pháo hoa tầm thấp đặt ở trung tâm các quận Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân; các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây. Mỗi điểm này sẽ có 60 giàn pháo, đồng thời có biểu diễn ca nhạc phục vụ người dân.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Những vật cần thiết nên mang theo khi đi chơi Tết


Hầu hết những chiếc xe hơi ngày nay đều được trang bị nhiều công nghệ giúp bạn cảm thấy thoải mái, tiện nghi và an toàn trong mọi hành trình. Tuy nhiên, vẫn có một số thứ cơ bản tưởng chừng như không cần thiết nhưng khi gặp sự cố thì lại không biết đào ở đâu ra. Chính vì thế, bạn nên "thủ" sẳn những vật dụng cần thiết cho chiếc xe của mình nhằm đảm bảo sự thoải mái và an toàn tuyệt đối nếu không may gặp phải sự cố vào một ngày “đẹp trời” nào đó. Dưới đây là danh sách những vật dụng cần thiết mà chúng ta nên trang bị sẳn trên xe.

1. Búa cứu hộ
Vật dụng nhỏ nhắn này sẽ là thứ có thể cứu lấy mạng sống của bạn và hành khách trên xe nếu chẳng may chiếc xe gặp tai nạn và cửa kính không thể kéo xuống được. Nếu để ý kỹ thì chúng ta có thể nhìn thấy thiết bị tương tự như thế này trên những chiếc xe bus hoặc xe "đò" cỡ lớn - những loại xe mà kính cửa sổ rất khó mở hoặc thậm chí là không mở được.

Mỗi khi xe gặp sự cố trên đường đi, hành khách có thể dùng chiếc búa nhỏ này để phá vỡ kính xe và thoát ra ngoài. Xe bus và xe đò thường chỉ có 2 cửa ở đầu và đuôi xe nhưng số lượng hành khách lại lên đến 50 người. Tuy nhiên, đối với xe ô tô thì việc thoát ra ngoài bằng cửa kính cũng chính là cách thức nhanh nhất và an toàn nhất nếu chiếc xe chẳng may bị cháy, rớt xuống sông hoặc bị biến dạng nặng...

2. Bộ tua vít/chìa khóa đầy đủ các size

Với một hộp "đồ nghề" được trang bị tận răng như thế này, bạn có thể dễ dàng sửa chữa các hư hỏng gặp phải trên đường mà không phải lo lắng vì thiếu tua vít hay chìa khóa. Đôi khi việc sửa chữa và xử lý sự cố trên đường đi chỉ đơn giản là xiết chặt lại một con ốc hay một khớp kết nối nào đó... Ví dụ như điện cực ắc-quy bị lỏng, cổ dê kẹp ống cao su bị tuột hay bất kỳ một chi tiết nào có thể nhìn thấy rõ ràng bằng mắt thường.v.v... Lúc đó nếu không có một chiếc tua vít hay chìa khóa vừa vặn thì vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Các bạn đừng nên tiếc tiền sắm một bộ đồ nghề đa năng như thế này. Bởi vì nó còn có thể được dùng để sửa chữa đồ vật trong nhà chứ không chỉ đơn thuần là cho xe hơi. Hơn nữa, nếu biết cách "săn" hàng giảm giá vào dịp cuối năm, một bộ đầy đủ như thế này có giá không quá 30 USD trên các website bán hàng ở Mỹ, tùy thương hiệu và số lượng thiết bị bên trong.

3. Bộ dây cáp nối bình

Hãy thử tưởng tượng, vào một ngày "đẹp trời" nào đó khi bạn đưa chìa khóa vào để khởi động nhưng chiếc xe của bạn vẫn... im ru thì có thể bình ắc quy đã gặp vấn đề. Sau khi kiểm tra kỹ càng các kết nối điện cực và quan sát mực nước trong bình, nếu nguyên nhân là do "hết bình" thì bạn chỉ cần một bộ dây cáp câu điện và một người bạn trợ giúp hoặc bất kỳ một tài xế tốt bụng nào dừng lại giúp đỡ, vấn đề sẽ được giải quyết một cách nhanh gọn.

Bạn nên đọc kỹ cách câu điện để khởi động xe từ ắc quy ngoài được hướng dẫn cụ thể trong sách hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc tuân thủ các quy tắc đó sẽ giúp bảo vệ các thiết bị trong xe cũng như tránh làm bạn bị thương.

4. Dây kéo



Dây thừng hoặc dây kéo làm bằng nỉ chắc chắn với nhiều kích thước khác nhau có thể giúp bạn trong nhiều trường hợp ngoài việc hỗ trợ kéo xe, ví dụ như cột đồ hay cố định một bộ phận nào đó... Chỉ nên dùng dây để kéo xe trong trường hợp hệ thống phanh vẫn còn hoạt động. Nếu hệ thống phanh bị vô hiệu hóa thì phải kéo xe bằng các thanh giằng chắc chắn.

5. Băng keo/băng dính loại tốt

Nói đến cuộn băng keo thì nghe có vẻ hơi... đơn giản, tuy nhiên cuộn băng keo "bình thường" đó có thể giúp chúng ta rất nhiều trong những trường hợp cấp bách. Ví dụ cụ thể như két nước bị thủng --> bạn có thể tạm thời "vá" ngay với một cuộn băng keo chất lượng, những ống dẫn bị thủng/rách, dây điện bị hở hay một bộ phận nào đó bị rớt ra.v.v... bạn cũng có thể dễ dàng tạm giời giải quyết bằng cuộn băng dính này.

Với một cuộn băng dính và một chút... "sáng tạo" thì bạn có thể xử lý mọi tình huống khẩn cấp xảy ra với chiếc xe của mình. Tóm lại, có hàng nghìn trường hợp bạn phải dùng đến băng keo và chỉ khi gặp phải sự cố bạn mới thấy nó quý gía như thế nào.
6. Đồng hồ đo áp suất lốp

Áp suất lốp thấp hơn tiêu chuẩn 0.4 kg/cm2 thì lượng tiêu thụ nhiên liệu sẽ tăng 5% và tuổi thọ của ta-lông sẽ giảm hơn 25%. Do vậy, việc kiểm tra áp suất lốp định kỳ thường xuyên là rất cần thiết, nó sẽ làm tăng độ bền và an toàn trong mỗi chuyến đi. Nếu "thủ" sẳn một chiếc đồng hồ bên trong xe, chúng ta có thể kiểm tra bất kì lúc nào. Với giá bán khá bình dân, việc sắm một chiếc đồng hồ đo áp suất lốp là khá dễ dàng với nhiều  loại sẳn có.

7. Bơm mini

Đây là một vật dụng nhỏ gọn nhưng rất cần thiết và "lợi hại" dành cho những chuyến đi xa. Hiện nay có nhiều sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng như bơm hơi, sạc ắc-quy và cả đèn pin... Thiết bị này dùng nguồn điện lấy từ cổng mồi thuốc bên trong xe để chạy máy nén, bên trên còn có đồng hồ hiển thị áp suất lốp. Nếu xe bạn không may cán đinh làm bánh bị xẹp thì bạn có thể dùng cái này để bơm xe tạm thời trước khi chạy đến các tiệm vá xe gần nhất.

8. Dụng cụ đa năng

Bạn nên trang bị trên xe một bộ dụng cụ đa năng với những chức năng tối thiểu như dao, kìm, tuốc-nơ-vít nhiều đầu và kéo. Với những chức năng đó bạn có thể cắt, tước dây điện, xiết chặt bu lông bị lỏng hoặc gắp những chiếc cầu chì bị cháy.v.v... rất dễ dàng và tiện lợi.

9. Đèn pin

Ngày nay, việc sở hữu một chiếc đèn pin bóng LED là vô cùng dễ dàng. Chiếc đèn pin này sẽ phát huy tác dụng khi bạn thay lốp xe bị xẹp bằng lốp dự phòng hoặc xem xét máy móc khi trời đã nhá nhem tối. Chính vì  thế, bạn hãy luôn chuẩn bị một chiếc đèn pin (cầm tay hay đội đầu) trước mỗi chiến đi xa. Chuẩn bị thêm pin dự phòng cho đèn pin cũng là một trang bị tuyệt vời.

10. Dây xích bánh

Cho dù chiếc xe của bạn là loại dẫn động cầu trước, cầu sau hay dẫn động 4 bánh, dây xích bánh xe chính là vật dụng hữu hiệu nhất để đưa chiếc xe vượt qua những vũng sình lớn hoặc những đoạn đường trơn trượt gây mất độ bám khác. Nếu bạn mua loại dây xích chuyên dụng thì hãy đọc kỹ hướng dẫn mà nhà sản xuất đưa ra. Còn nếu bạn tự dùng dây xích để quấn thì phải nghiên cứu cách quấn làm sao để dây được kết nối chắc chắn và đem đến độ bám tốt nhất cho chiếc xe.

11. Cây xẻng/xúc đa chức năng

Một cái xẻng đa chức năng và có thể gập lại gọn gàng sẽ là một công cụ tuyệt vời trong nhiều trường hợp. Ví dụ như đào đất khi xe bạn bị bị mắc kẹt, thay thế rìu làm dụng cụ chặt cây, phát quang bụi rậm.v.v... Đối với một số nước vào mùa đông thì đây là một công cụ xúc tuyết rất hay.

12. Bộ dụng cụ thay lốp xe

Đối với những chiếc xe mới thì bộ dụng cụ này luôn đi kèm theo xe, nhưng với những chiếc xe đã qua sử dụng thì bạn nên chắc chắn rằng chiếc xe mình mua lại có đầy đủ lốp dự phòng và bộ "đồ nghề" bao gồm các dụng cụ dùng để thay bánh sơ-cua như con đội, tay quay, chìa khóa.v.v... Một điều đáng lưu ý nữa là chiếc bánh xe dự phòng của bạn cũng cần được bơm hơi đầy đủ với đúng áp suất tiêu chuẩn trước khi lên đường. Nếu là dạng bánh xe thu gọn thì bạn nhất thiết phải đem chiếc máy bơm mini theo, như đã đề cập ở phần trên.

13. Hộp y tế

Bạn nên chuẩn bị sẳn một bộ dụng cụ y tế trên xe với bông băng, gạc, thuốt sát trùng, thuốc chống say tàu xe, các loại thuốc thông dụng như đau bụng, dạ dày, giảm sốt, kéo và nhíp sẽ rất hữu dụng để bạn có thể tự mình sơ cứu các vết thương nhỏ cho chính mình và đặc biệt là khi đi cùng trẻ nhỏ.

14. Găng tay

Một đôi găng tay lao động sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp xúc với các chi tiết nóng bên trong nắp ca-pô, dưới gầm xe hoặc đưa ống xả bị xệ vào đúng vị trí.v.v... Găng tay cung sẽ giúp việc thay lốp sơ-cua của bạn trở nên dễ  dàng và sạch sẽ hơn.

15. Khăn giấy

Khăn giấy... nghe có vẻ như quá bình thường. Tuy nhiên bạn sẽ thấy khăn giấy có ích khi như thế nào khi bạn cần có cái để thấm vết cà phê đổ, lau que thăm dầu cũng như lau chùi các vết bẩn khác... Ngoài ra, khi cần thiết thì khăn giấy còn giúp việc nhóm lửa, nhả chewing-gum, vặn nắp bình bị trơn (do dính dầu nhớt) một cách dễ dàng hơn.

16. Fire Stop

Nếu chẳng may xe bạn bị chập điện, rò rỉ xăng hay bất kì lý do nào khác... "bà hỏa" cũng có thể ghé thăm bắt kỳ lúc này. Chính vì thế, việc trang bị những bình chữa cháy mini là rất cần thiết để giúp bạn giảm thiểu những thiệt hại xuống mức thấp nhất.​ ​ Ngoài ra, vẫn còn có các vật dụng đơn giản và hữu dụng khác mà bạn có thể chuẩn bị rất dễ dàng để chuyến đi của gia đình trở nên thoải mái hoàn hảo hơn:​ Tiền lẻ 10k, 20k để sẵn trên xe khi qua các trạm thu phí, mua vé cầu đường... Vài đĩa nhạc hay, USB có chép sẳn nhạc, vài cuốn tạp chí hoặc vài cuốn sách dành cho hành khách trên xe. Một lọ nước hoa có mùi thơm nhẹ nhàng theo sở thích Các thiết bị ghi hình, chụp ảnh, ghi âm để ghi lại những cảnh đẹp trên xe hay đối phó với CSGT bắt lỗi sai Nước rửa kính, xịt khử mùi, nước rửa tay diệt khuẩn.v.v... Trên đây là những vật dụng đơn giản, hữu ích và tiện lợi mà chúng ta nên trang bị trên chiếc xế yêu của mình. Nếu các bạn có biết thêm những vật dụng khác hoặc "mẹo nhỏ" nào hay, xin mời các bạn chia sẻ với mọi người trong topic này.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Tết 2014 - HCM bắn pháo hoa tại 7 điểm

Chào mừng năm mới Giáp Ngọ 2014, vào 0g ngày 31-1-2014 (tức mồng 1 tết), TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa 15 phút tại bảy điểm: một điểm tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (Q.2), sáu điểm tầm thấp tại công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11), công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (Q.9),

đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), sân bóng đá huyện Cần Giờ, khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh).

Đây là một trong những nội dung tổ chức hoạt động lễ hội Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 tại TP.HCM được Sở VH-TT&DL báo cáo với đoàn khảo sát của HĐND TP vào chiều 23-12.

Cũng trong dịp này, TP sẽ đồng loạt tổ chức nhiều chương trình, lễ hội chào mừng năm mới. Đó là các chương trình trang trí ánh sáng đường phố từ 23 tháng chạp âm lịch đến mồng 8 tết; lễ hội đường sách tại khu vực đường Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế từ 28 tháng chạp đến mồng 4 tết; các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở sân khấu Sen Hồng (công viên 23-9), công viên Gia Định, sân khấu đường Trường Sa (trước nhà thi đấu Rạch Miễu, Q.Phú Nhuận)...

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Tết Dương lịch 2014, TP.HCM bắn pháo hoa tầm cao ở đâu?

UBND TP.HCM vừa có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho phép bắn pháo hoa tầm cao tại 2 điểm dịp tết Dương lịch 2014.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa cho biết, lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao, Du lịch xin phép cho TP.HCM được bắn pháo hoa tầm cao, thay vì tầm thấp như dự kiến tại 2 địa điểm nhân dịp tết Dương lịch 2014. Thời gian bắn pháo hoa từ 0h – 0h15 rạng sáng ngày 1/1/12014 tại Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11) và hầm vượt sông Sài Gòn (Q.2).

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, sở dĩ có sự thay đổi trong việc bắn pháo hoa này là do sự cố cháy nổ tại Công ty TNHH MTV hóa chất 21 (Bộ Quốc phòng) hồi tháng 10 vừa qua. Hiện đơn vị này chỉ nhận cung cấp pháo hoa tầm cao để sử dụng trong dịp mừng năm mới Dương lịch 2014.

Để phục vụ cho chương trình bắn pháo hoa tầm cao dịp tết 2014 sắp tới, TP.HCM đã giao cho Bộ Tư lệnh TP đặt mua 2.250 quả pháo hoa để trình diễn phục vụ cho người dân thưởng ngoạn vào những giờ phút đầu tiên của năm mới 2014.

Được biết, Văn phòng Chính phủ trước đó đã có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ cho phép TP.HCM bắn pháo hoa tầm thấp tại 2 điểm trong dịp tết Dương lịch 2014.

Tết 2014 có thể được đốt pháo không tiếng nổ

Pháo hỏa thuật giải trí - sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không gây ra tiếng nổ đang được cơ quan chức năng xem xét cho phép người dân mua về đốt trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an), cho biết pháo không có tiếng nổ (pháo hỏa thuật giải trí) là loại pháo do Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp - Bộ Quốc phòng) sản xuất và phân phối.

Tại buổi họp với lãnh đạo Tổng cục 7 và nhiều cơ quan chức năng mới đây, đại tá Nguyễn Khắc Hội, Giám đốc Nhà máy Z121, cho biết việc sản xuất pháo hoa và các phụ kiện nổ tại Việt Nam đã được nhà máy thực hiện từ nhiều năm nay và "độc quyền" trong lĩnh vực này.

Pháo hỏa thuật giải trí thực chất là sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không gây ra tiếng nổ. Các loại hóa chất được dùng để chế tạo loại pháo không gây độc hại, không gây cháy nổ và ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Hiện, Nhà máy Z121 sản xuất khoảng 10 loại pháo này, qua thử nghiệm đều đạt hiệu quả cao.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, Nghị định 36 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo không cấm sử dụng loại pháo này. Sau khi thử nghiệm, lãnh đạo Tổng cục 7 thấy rằng đây là loại pháo thân thiện với môi trường và có thể đưa ra thị trường. Một số nước cũng sản xuất loại pháo này và gọi là pháo hoa đồ chơi.

"Họ học tập công nghệ sản xuất của Nhật Bản, qua thử nghiệm nhiều lần đều cho kết quả tốt và an toàn, không gây ra tiếng nổ, ảnh hưởng tới môi trường. Chúng tôi đã thử dùng tay chạm vào những tia lửa nhưng chẳng bị làm sao", ông Vệ nói.

Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), đã gọi là pháo thì phải có tiếng nổ. Tuy nhiên, sản phẩm của Nhà máy Z121 không gây ra tiếng nổ nên có thể sử dụng từ khác mà không có chữ "pháo" để tránh "nhạy cảm". Ông Hà cho rằng sản phẩm này được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản nên hội đồng khoa học các bộ, ngành có thể sử dụng chính các tiêu chuẩn của Nhật Bản làm cơ sở đánh giá, thẩm định trước khi cấp phép bán ra thị trường.

Còn thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, Nhà máy Z121 cần đăng ký chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua.

"Khi đó, chúng tôi sẽ sửa đổi Thông tư 08 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 36) để sớm đưa sản phẩm vào cuộc sống, nhanh thì có thể ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2014", ông Vệ nói thêm.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, pháo đã gắn liền với nhiều sinh hoạt cộng đồng, truyền thống của người Việt. Dù đã cấm nhưng nó vẫn được nhiều người nhắc tới mỗi dịp Tết với câu ca: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".

"Cấm đốt pháo xuất phát từ việc mất trật tự, an toàn xã hội. Nhưng bây giờ dân trí đã khá hơn nên việc kiểm soát đốt pháo cũng tốt hơn thì việc chấp thuận cho pháo trở lại với sinh hoạt cộng đồng mỗi dịp lễ, Tết là điều đáng phải xem xét", ông Bình bày tỏ.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Hoán đổi ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các dịp lễ 2014

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần trong dịp nghỉ lễ, tết năm 2014 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, trong dịp Tết Âm lịch, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ từ ngày 28/1/2014 (tức ngày 28 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2/2014 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch) và đi làm bù vào thứ Bảy ngày 25/1/2014 và thứ Bảy, ngày 8/2/2014. Như vậy, cán bộ công chức, viên chức được nghỉ liền 9 ngày liên tục từ ngày 28/1/2014 (tức ngày 28 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2/2014 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch).

Dịp nghỉ Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5, cán bộ công chức, viên chức thực hiện nghỉ vào thứ Sáu, ngày 2/5/2014 và đi làm bù vào thứ Bảy, ngày 26/4/2013. Tức là dịp nghỉ lễ này, công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ thứ Tư, ngày 30/4/2014 đến hết Chủ nhật, ngày 4/5/2014. Tổng số ngày nghỉ của dịp này sẽ là 5 ngày liên tục.

Dịp nghỉ Ngày Quốc khánh 2/9, cán bộ công chức, viên chức thực hiện nghỉ vào thứ Hai, ngày 1/9/2014 và đi làm bù vào thứ Bảy, ngày 6/9/2014. Tức là dịp này, cán bộ công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ thứ Bảy, ngày 30/8/2014 đến hết ngày thứ Ba, 2/9/2014. Tổng số ngày nghỉ của dịp này là 4 ngày liên tục.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong các dịp nghỉ lễ, tết này đều có ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Vì vậy, việc hoán đổi ngày nghỉ như trên sẽ đảm bảo làm việc liền mạch vào tuần kế tiếp.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông báo việc thực hiện hoán đổi ngày nghỉ lễ, tết năm 2014.

Đồng thời, lưu ý, đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.