Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Ðể người cao tuổi đón Tết an lành

Ngày Tết là dịp tốt để chúng ta bàn về việc chăm sóc sức khỏe cho các bậc cao niên. Ðây là công việc đòi hỏi người chăm sóc vừa phải có lòng kính trọng đối với người cao tuổi, vừa phải có kiến thức y học mới có thể làm tốt.

Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa bắt đầu suy giảm hiệu suất hoạt động, thị lực cũng giảm, răng yếu, mũi kém nhạ̣y, tuyến nước bọt tiết ít khiến Người cao tuổi cảm thấy ăn không ngon miệng, làm ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của tuổi già. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao... Vì thế, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp nâng cao sức khỏe kéo dài tuổi thọ. Nếu ở người trẻ tuổi mỗi ngày cần 2.200 - 2.500kcal thì ở người 60 tuổi chỉ cần 2.000kcal và 70 tuổi trở lên chỉ cần 1.500 - 1.800kcal là đủ. Người cao tuổi cần chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ. Ăn nhiều thức ăn nguồn gốc thực vật (vừng, lạc, đỗ, đậu, rau xanh, quả chín), giảm lượng thịt thay bằng cá.

Không ăn quá no: Dù ngày Tết nhiều món ăn ngon nhưng cũng chỉ nên ăn chừng mực. Thường xuyên thay đổi thực đơn, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn phải mềm, thái nhỏ, nghiền kỹ. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối vì khi nằm, dạ dày căng sẽ đẩy cơ hoành lên chèn ép, cản trở hoạt động của tim. Hải Thượng Lãn Ông khuyên: “Muốn cho ngũ tạng được yên - bớt ăn mấy miếng nhìn thèm hơn đau”. Sách còn ghi “Ăn cần lượng ít lần nhiều - không ăn quá nhiều đầy bụng khó tiêu’’.Ăn nhiều quá thành tích tụ, uống nhiều quá thành đờm tích, ý là làm rối loạn tiêu hóa gây nên bệnh.

Giảm đường: Năng lượng cho chất béo cung cấp nên đạt từ 20% tổng số năng lượng, cũng không nên quá đề cao chất béo từ thực vật mà bỏ qua mỡ động vật.

Đối với Người cao tuổi, ăn nhiều đường không tốt cho sức khỏe vì tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường, tim mạch. Tuy nhiên, việc ăn bao nhiêu đường bột là vừa thì còn phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng của mỗi người (tình trạng béo gầy, hoạt động thể lực nhiều hay ít).

Giảm muối: Ở Người cao tuổi, chức năng thận yếu, các cơ quan khác đều bị lão hóa, sức đề kháng yếu, suy giảm chức năng đào thải nên không thích hợp ăn mặn. Nếu ăn mặn sẽ bị tăng huyết áp, ảnh hưởng chức năng tim, thận bởi muối làm động mạch co thắt, huyết áp tăng cao, thúc đẩy tăng nhanh xơ vữa động mạch tại thận gây tăng huyết áp và dẫn tới suy thận. Vì thế, Người cao tuổi chỉ nên ăn một lượng muối dưới 6g/ ngày. Ngoài ra, nên ăn ít dưa cà muối bởi đó là những thức ăn chứa nhiều muối, hơn nữa, vitamin trong những món ăn này rất thấp nên không thích hợp cho Người cao tuổi. Chú ý, Người cao tuổi do vị giác lão hóa, nhạy cảm với mặn kém, do vậy, không phải nếm thấy mặn mới là mặn, nhiều khi không thấy mặn mà lượng natri đã nhiều, do vậy, cần định lượng chính xác khi nấu.

Ưu tiên vitamin và khoáng chất: các vitamin A, B, C, D, E... và khoáng chất (sắt, kẽm, selen, magne, kali...) có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Các vitamin và khoáng chất này có nhiều trong thực phẩm thiên nhiên như rau xanh thẫm, quả chín có màu vàng đỏ. Việc sử dụng thức ăn nhiều canxi (sữa và các chế phẩm của sữa) cũng rất quan trọng nhưng nên sử dụng sữa tách bơ. Nếu do răng yếu không ăn được nhiều rau thì nên dùng nước ép hoặc uống bổ sung vitamin ở dạng thực phẩm chức năng hoặc dược phẩm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Vậy Người cao tuổi cần kiêng ăn và không kiêng ăn gì trong những ngày Tết?

Ngày Tết cổ truyền có nhiều món ăn ngon và la,̣ Người cao tuổi đều ăn được trừ những người có bệnh như: người bệnh thận cần ăn nhạt, hạn chế đồ ăn sẵn nhiều muối (như giò, chả, thịt nấu đông, xúc xích); người đái tháo đường cần hạn chế ăn các chất ngọt (như mứt, bánh, kẹo, nước ngọt, trái cây ngọt, kể cả bánh chưng cũng nên ăn vừa phải). Điều quan trọng là kiểm tra đường huyết và dùng thuốc hạ đường huyết đủ. Người THA thì chỉ cần nhớ không uống nhiều rượu bia, không ăn nhiều muối vì dù chỉ một bữa cũng có thể làm huyết áp tăng cao và nguy hiểm còn các thức ăn khác thì cứ vô tư, trong vài ngày Tết sẽ không cần kiêng; Người tăng mỡ máu trong những ngày Tết nếu có ăn giò mỡ, thức ăn béo ngậy cũng không sao vì ngày thường kiêng mãi rồi nên vài ngày Tết có phá luật tý không sao; người dị ứng thực phẩm, nhất là hải sản, ngày Tết lại hay dùng nên phải chú ý.

Đừng quên luyện tập: Đối với việc luyện tập, có thể không nhất thiết như ngày thường nhưng cũng không nên nằm nhiều. Hãy đi bộ thăm thú bạn bè hay dạo công viên cùng con cháu sẽ giúp Người cao tuổi sống thoải mái và vui vẻ hơn khi Tết đến xuân về. 

Những thói quen hại sức khỏe cần tránh trong dịp lễ, Tết

Suốt 11 tháng trong năm bạn luôn thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống... Nhưng đến lễ Tết, vì quá ham chơi nên bạn phá vỡ tất cả những thói quen tốt đẹp đó.

Dưới đây là những sai lầm nên tránh trong những dịp lễ, tết và biện pháp khắc phục.

Chải răng sau khi uống rượu

Nhiều người sau khi uống vang đỏ liền chạy thẳng vào phòng tắm đánh răng. Tuy nhiên, theo nha sĩ Gigi Meinecke - phát ngôn viên Viện Hàn lâm Nha khoa Tổng quát, rượu (trắng và đỏ) có thể hòa tan men răng, nếu chải răng ngay tức thì có thể góp phần làm mòn răng.

Thay vào đó, chỉ nên trung hòa axit bằng cách súc miệng với nước lọc. Khi uống rượu chỉ nên nhấm nháp và nuốt, tránh ngậm và súc rượu qua kẽ răng.

Nhịn đói trước tiệc tùng

Nhiều người thường bỏ bữa nhẹ buổi chiều nếu tối đi dự tiệc, nhưng theo chuyên gia dinh dưỡng J.J. Virgin, tác giả cuốn Six Weeks to Sleeveless and Sexy thì đây là ý tưởng sai lầm.

Bạn sẽ rất đói nếu nhịn ăn bữa nhẹ trước tiệc dẫn đến việc tiêu thụ nhiều món khai vị và rượu vang chứa nhiều calo. Giải pháp tốt nhất là bạn nên nhấm nháp ít hạt dẻ, đậu phộng, đồ ăn nhẹ... trước khi đi tiệc.

Đêm chơi quá nhiều, sáng ngủ nướng

Tiệc tùng, mua sắm, thăm thú, du lịch... chật kín thời gian biểu kỳ nghỉ của bạn, khiến bạn không có thời gian ngủ nghỉ. Thức khuya, dậy trễ có thể khiến bạn thực hiện hết sạch kế hoạch "ăn chơi" đã đặt ra, nhưng đổi lại bạn bị thiếu ngủ.

Ngủ không đủ giấc làm giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng tâm trạng và năng lượng cơ thể. Ngoài ra, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng ban đêm có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Lạm dụng xà phòng diệt khuẩn

Dùng xà phòng diệt khuẩn trong những ngày lạnh để chống cảm cúm là ý tưởng tốt, đặc biệt khi bạn thường xuyên ra ngoài bắt tay, tiếp xúc bạn bè, đồng nghiệp trong dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, lạm dụng xà phòng diệt khuẩn mang lại tác dụng ngược cho sức khỏe. Các nhà nghiên cứu thấy rằng thành phần triclosan có trong nhiều sản phẩm diệt khuẩn tiếp tay cho vi khuẩn kháng thuốc.

Ngủ li bì




Ngủ là sở thích của nhiều người trong các kỳ nghỉ, nếu bạn sắp xếp được một ngày nghỉ để ngủ không giới hạn thì quả thực tuyệt vời.

Tuy nhiên, ngủ ngày liên tục có thể khiến khó ngủ về đêm, gây ra chứng mất ngủ kinh niên. Đồng thời, nằm trên giường quá nhiều suốt mùa đông có thể là dấu hiệu của trầm cảm.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Cách khử mùi hôi trên thịt



Khử mùi cật heo: cật heo luôn có mùi khai rất khó ăn, vì thế khi mua về, bổ đôi cật ra, bóc hết màng trắng bên trong, dùng dao khứa hình lát chả trên bề mặt cật, sau đó trộn với muỗng canh giấm hay rượu trắng, xóc đều, để một lát, rồi cho vào nước ngâm từ 5 – 10 phút, vớt ra, để ráo.
Thịt bị dính dầu hôi, hoặc thịt có mùi hôi, pha một ít trà thật đặc rồi ngâm miếng thịt khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó lấy ra rửa sạch.

Cũng có thể khử mùi hôi bằng cách nấu một xoong nước sôi, sau đó cho vài cọng rơm rồi cho thịt vào luộc tầm 5 phút, trước khi vớt thịt ra, thêm vào xoong nước một muỗng cà phê rượu trắng.

Cách xử lý mùi hôi của ruột heo: ruột heo nếu không biết cách làm sẽ có mùi hôi rất khó ăn. Để xử lý mùi hôi ấy, bạn hãy thực hiện một trong những cách sau:
 - Rửa ruột heo bằng nước sạch, để ráo, bóp với giấm, rượu, gừng, chanh, rồi bỏ vào nội luộc. Nước sôi, vớt ra rửa sạch rồi để ráo.
 - Ruột về lộn trái, lấy bột mì xát thật kỹ rồi xả với nước sạch vài lần.
 - Pha hỗn hợp: giấm ăn, phèn chua, cho vào ruột bóp kỹ, rửa bằng nước sạch.

Để không còn mùi gà, vịt khi nấu: gà, vịt dù làm sạch vẫn có mùi lông của nó, muốn khắc phục tình trạng này, bạn hãy dùng giấm hoặc muối thoa lên mình gà hoặc vịt khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch, để ráo, mùi lông sẽ biến mất.

Để kho cá ngon không tanh: để nồi cá kho ngon, không còn tanh mùi cá, khi kho hãy cho vào nồi một ít nước trà.

Khử mùi gây của dê: khi nấu nướng, bạn có thể cho vào nồi củ cải trắng có đục lỗ nhỏ.lúc ăn vớt củ cải bỏ đi, sau khi ăn nên dùng một tách trà.

Cách làm trắng dầu mỡ đã sử dụng: khi chiên, dầu mỡ thường bị cháy đen, để giữ cho dầu mỡ được trắng như chưa sử dụng, hãy cho vào vài miếng khoai tây sống.

Để không còn mùi tanh khi chiên thịt: đối với những loại thịt không còn tươi, thường có mùi tanh rất khó chịu khi chế biến. muốn khắc phục tình trạng này, bạn hãy bỏ vào bếp một cục đường, mùi đường khét sẽ đánh tan mùi tanh của thịt.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Bảo quản bánh mì và, xúc xích, lạp xưởng



Cách bảo quản bánh ngọt loại mềm: Cho bánh vào hộp kín, cho vào vài lát bánh mì tươi, khi nào thấy bánh mì cứng lại thay miếng khác. Với cách này bạn có thể giữ bánh mềm và ngon trong thời gian khá lâu
Cách bảo quản bánh ngọt loại cứng, giòn: nên để bánh vào hộp thiếc, lọ thủy tinh, đậy kín
Để bánh không bị khô: cho bánh vào miếng giấy bóng kiếng hoặc giấy trắng sạch, thấm nước cho đều rồi bọc bánh lại, trước khi dùng, cho bánh vào lò nướng hong lại
Để mứt không bị mốc hay hư, hãy phơi lên mứt một lớp bột đường thật dày, xong đậy kín lại, để nơi râm mát
Bảo quản gan: để gan heo, bò không bị đen hoặc khô, khi mua về, ngâm gan với một lớp dầu ăn, sau đó gói kín lại, đặt vào thùng nước đá
Cách bảo quản thịt dăm bông không bị khô, cứng: ngâm vào sữa tươi, thịt sẽ mềm trở lại
Thịt dăm bông bị mốc vỏ ngoài: nên dùng miếng vải thấm nước muối thật mặn, lau sạch chổ mốc

Bảo quản xúc xích, lạp xưởng: cho vào vại sành hoặc keo thủy tinh một cốc rượu trắng, rồi mới xếp xúc xích hay lạp xưởng lên trên, đậy kín lại. làm như vậy bảo quản được từ 3 – 4 tháng
Bảo quản thịt qua ngày: thịt xẻ xong, không được rửa nước, để nguyên mắc dây treo lên nơi thoáng

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Sinh viên bật mí thu nhập "khủng" làm thêm dịp Tết

Vào các dịp Tết cổ truyền, khi hàng vạn sinh viên đang hối hả bắt các chuyến xe cuối cùng để về quê đón Tết thì vẫn có những sinh viên chọn cách ở lại các thành phố lớn để làm thêm.

Làm Tết bằng cả năm
Vì những lý do khác nhau, nhiều sinh viên đã chấp nhận việc đón Tết xa quê để đổi lại những khoản thu nhập lớn chỉ trong một vài ngày Tết.

Thu Hà, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội năm nào cũng chọn cách bán muối và bán lộc đầu năm tại chùa Quán Sứ, một trong những ngôi chùa lớn nhất Hà Nội. Hà cho biết chỉ với số vốn bỏ ra khoảng 300 nghìn, nếu khéo mời chỉ trong đêm giao thừa có thể bán lãi tới 2 triệu đồng.

Giỏ hàng của Hà luôn được khách du xuân để ý bởi lời mời chào nhẹ nhàng và một khuôn mặt luôn rạng rỡ. Hà tâm sự: “Nhiều bác mua lộc và muối khen mình nhanh nhẹn hy vọng sẽ mang may mắn đến trong năm mới. Biết mình là sinh viên làm thêm, khách thường mừng tuổi luôn tiền thừa”.

Năm nay, bán lộc đầu năm cùng Hà còn có Phương Nhung, sinh viên ĐH Thủy Lợi. Hà không ngần ngại rủ thêm cô bạn thân của mình cùng bán vừa kiếm thêm thu nhập lại có bạn cùng về sau giao thừa.

Phương Nhung cho biết: “Chúng em dự định sẽ dành số tiền lãi để năm mới đăng ký khóa học tiếng Anh tại Language Link”.

Phạm Thanh Tùng, sinh viên năm cuối khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng đã 2 năm không về quê ăn Tết. Đối với Tùng, Tết là “mùa làm ăn” và dễ kiếm tiền nhất trong năm. Năm nay, Tùng cùng cô bạn chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch buôn rau phục vụ ngày Tết.

Từ đêm 30 Tết, Tùng có nhiệm vụ chở rau từ chợ đầu mối Long Biên về tập kết trên vỉa hè phố Liễu Giai. Theo cậu sinh viên này, số tiền vốn bỏ ra tuy khá lớn nhưng lãi suất thì cao hơn gấp nhiều lần so với các công việc làm thêm khác.

“Em chỉ tính đơn giản như một bông súp lơ em mua 10 nghìn thì sẽ bán với giá khoảng 30 nghìn, 35 nghìn. Các rau khác cũng thường bán gấp 3, 4 lần nên chỉ trong buổi tối ngày mùng 1, chúng em đã đủ vốn”, Tùng nói.

Tùng cũng cho biết thêm, trời càng lạnh người dân sẽ ăn lẩu nhiều và rau xanh lại càng đắt giá. Chỉ bán tới ngày mùng 4 Tết, Tùng đã lãi gần 7 triệu đồng.

Phạm Thị Lan, sinh viên năm 3 ĐHKH XH&NV lại nhanh nhạy mượn đồ nghề của gia đình kinh doanh bún cá đầu năm. Lan cho biết, năm nay nhiều bạn trẻ đã chọn ăn bún cá từ ngay sau khi giao thừa.

“Số lượng khách đông nhất thường vào sáng mùng 2 Tết. Nếu không có hai cô bạn giúp đỡ chắc em không bán kịp. Một bát có giá 35 nghìn đồng trừ các chi phí cũng lãi được 15 nghìn”, Lan khoe.

Nhẩm tính một lúc, Lan cho biết năm nay đã thu được số tiền lãi khoảng 4 triệu đồng. Số tiền lãi nhờ bán bún cá mấy ngày Tết bằng đúng số tiền Lan đi dạy thêm trong một năm học.

Nhiều sinh viên khi không có điều kiện để buôn bán trong dịp Tết lại chọn cách làm thêm tại các quán ăn, quán cafe với số tiền công mỗi ngày cũng gấp 3,4 lần so với bình thường.

Những nam sinh viên có phương tiện và sức khỏe lại chọn cách chở hàng thuê trong dịp Tết tại các chợ đầu mối. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại các bạn đều tích lũy được một số tiền khá lớn để trang trải việc học tập sau thời gian nghỉ Tết.

Không chỉ vì tiền

Đối với mỗi sinh viên, số tiền các bạn kiếm được trong dịp Tết có thể bằng cả năm đi làm thêm hay dạy thêm nhưng những gì họ được không chỉ có tiền.

“Dịp Tết khách đến ăn bún cá đông đến nỗi mình không phục vụ kịp. Nhiều người cũng tỏ ra khó chịu và cáu giận, thậm chí có người còn to tiếng. Những lúc đó mình lại phải học cách nhẹ nhàng xin lỗi để chiều lòng khách. Nhờ đó mà cái tính nóng nảy của mình cũng được kiềm chế phần nào”, Lan tâm sự.

Đối với Thu Hà và Phương Nhung dù đều sinh ra trong những gia đình khá giả nên gia đình không khuyến khích việc hai cô bạn bán lộc đầu năm với lý do: “Nhà mình chưa thiếu tiền để các con phải đi làm thêm những ngày Tết.

Ban đầu bố mẹ chúng em cũng cấm nhưng sau đó em phải kiên trì thuyết phục cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý. Khi tự kiếm được một chút tiền dù nhỏ chúng em sẽ biết trân trọng đồng tiền hơn. Số tiền lãi sẽ được dùng vào việc học tiếng Anh và các việc có ích”.

Việc buôn rau trong những ngày Tết cũng giúp Thanh Tùng rất nhiều trong công việc. Những bài học thực tế từ chính thương trường đã giúp cậu sinh viên này thêm tự tin khi sắp tốt nghiệp đại học.

“Tuy chỉ là buôn bán nhỏ, thời vụ nhưng cũng giúp em rất nhiều trong công việc. Em học được cách lựa chọn mặt hàng kinh doanh, đối tượng khách hàng, khả năng đàm phán, thuyết phục ngay trên … vỉa hè. Điều đó cũng rất có ích đấy chứ”, Tùng cười tươi tâm sự.

Những việc làm giúp sinh viên kiếm tiền ngày Tết

1. Làm part time

Không quá khó để teen tìm được một công việc part time nhằm kiếm thêm thu nhập, nhất là trong thời điểm gần Tết. Bởi những ngày gần Tết, các cửa hàng, siêu thị lớn thường tuyển thêm nhân viên để tăng ca. Bên cạnh đó, những công việc như bán quần áo, phục vụ trong cửa hàng ăn nhanh, phục vụ trong cafe... vẫn tuyển quanh năm và được teen ưa chuộng.

Ưu điểm của công việc này là thường làm theo buổi, theo ca nên teen dễ dàng sắp xếp để không ảnh hưởng tới lịch học, hơn nữa, công việc cũng đơn giản lại không quá vất vả. Chỉ cần teen cần mẫn làm trong 1-2 tháng trước Tết là coi như đã có một khoản tiền tiêu Tết kha khá rồi đấy.

2. Cộng tác viên cho các báo

Một số teen khác có khả năng viết lách lại có “thâm niên” làm cộng tác viên cho báo thì trước Tết cũng là dịp mà các bạn ý đẩy mạnh "cày cuốc" để viết thêm thật nhiều bài.

P.Vi (18t), cộng tác viên của một trang báo tuổi teen chia sẻ: “Thông thường, trước đây, mỗi tuần mình chỉ viết và được đăng một bài, nhưng Tết sắp đến rồi, mỗi tuần mình đang cố gắng phải viết được 2 bài trở lên, mong tích lũy được một khoản đủ để tiêu Tết”.

3. Làm MC, người mẫu cho các tạp chí

Một số teen xinh xắn, gương mặt ăn ảnh thì lại tìm tới những công việc yêu cầu ngoại hình như làm người mẫu ảnh, PG... Công việc đơn giản nhưng thu nhập cũng không nhỏ đâu nhé! Nói chung, khi bạn đã "bắt tay" vào làm thì sẽ có rất nhiều cách để có được thu nhập mình mong muốn.

4.Về quê “ủ mưu” kinh doanh

Không ở lại Hà Nội nhiều, sinh viên lên đường trở về quê ngay khi được nghỉ học, miệt mài kiếm tiền ngay trên chính mảnh đất quê hương. Họ không ngại gian khổ để nghĩ ra cách kinh doanh riêng cho mình bằng những mặt hàng cực kỳ đơn giản và ý nghĩa.

Kinh doanh hoa ngày tết

Một số bạn sinh viên rủ nhau góp vốn kinh doanh hoa ngày tết và thu về được một khoản tiền khá lớn. Để nhập được hoa rẻ, họ rủ nhau tìm về những vùng quê mà người ta trồng hoa như Tây Tựu để mua được với giá rẻ.

Sinh viên Mai Anh (Nghệ An) chia sẻ: “Nhóm mình tới tận ruộng để mua hoa nên thương lượng được giá rẻ. Mỗi năm chỉ bán khoảng 5- 6 ngày tết cũng thu được lãi không nhỏ, đủ tiền tiêu tết”.

Còn sinh viên Thu hồ hởi khoe: “Năm ngoái, một bông hồng tại ruộng, mình mua với giá 3 nghìn, bán ra từ 7 – 10 nghìn, một cành ly giá 30 nghìn, tụi mình bán được khoảng 60 – 70 nghìn, lãi gấp đôi!”

Kinh doanh quần áo, khăn, bao lì xì, giày dép:




Không chỉ hoa, các mặt hàng như quần áo, mũ, khăn, bao lì xì, giày dép… cũng được các bạn sinh viên tranh thủ kinh doanh ngày Tết. Huy, sinh viên trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, một người có thâm niên kinh doanh quần áo ngày Tết tiết lộ: Lấy hàng từ các chợ sinh viên Dịch Vọng, chợ Ngã Tư Sở, chợ Đồng Xuân… rồi đem về quê bán mang lại số lãi không hề nhỏ.

“Đấy là còn chưa kể tới các nhóm có máu kinh doanh lớn, “lấy tận gốc, bán tận ngọn” thì ăn thua hơn nhiều” – Huy thẳng thắn chia sẻ.

Kinh doanh Bánh chưng, mía cho đêm Giao thừa

Chưa hết ngày học nhưng Duy Khanh, sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội, quê Lạng Sơn, lòng đã nóng như lửa đốt. Hỏi ra mới biết, cậu bạn này muốn được về nhà giúp mẹ làm công việc gói bánh chưng ngày tết bán cho nhiều nhà trong thôn.

Khanh cho biết, ở nhà, mẹ Khanh thường nhận làm bánh cho các nhà trong thôn, kết hợp nấu bánh cho gia đình mình luôn. Công việc cũng không có gì vất vả, lại thêm một phần thu nhập.

Còn cô bạn Mi Vân thì hào hứng nói về công việc bán Mía của mình: “Năm nào cũng vậy, từ 7h tối giao thừa là mình lại mang mía ra trước cửa nhà để bán. Bán đến khoảng 1h sáng, qua giao thừa là hết hàng,mỗi năm hết cả 200 cây mía đấy”.

Theo như cô sinh viên này, thì một cây mía cô mua về có giá khoảng 15 nghìn đồng, bán ra 25 – 30 nghìn đồng, thậm chí 40 nghìn đồng, tùy lượng khách và tâm lý khách hàng.

Và còn rất nhiều mặt hàng khác nữa mà chỉ cần teen mình chịu khó nghĩ ngợi và kiên trì nhất định sẽ thành công. Bán hàng Tết ngoài việc có tiền còn rèn luyện cho Teen mình có thêm những kỹ năng làm việc trong cuộc sống. Chúc cho các teen mình sẽ có một cái Tết ấm áp bên gia đình và có một nguồn tài chính rủng rỉnh nhé!

Dân văn phòng bỏ việc đi buôn hàng Tết

Tết Nguyên Đán đang đến gần khiến nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, đây cũng chính là thời điểm thích hợp để các nhà kinh doanh "nghiệp dư” muốn kiếm thêm thu nhập dịp Tết tranh thủ chen chân vào thị trường.

Kinh doanh để kiếm tiền... ăn Tết

Tình trạng giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh chóng mặt trong thời gian vừa qua khiến không ít gia đình phải lao đao vì mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương có hạn.

Dịp Tết Nguyên Đán đến gần lại càng khiến nhiều người thêm đau đầu. Vậy nên, giải pháp kinh doanh mấy ngày giáp Tết để kiếm thêm thu nhập đang thu hút được nhiều sự chú ý, nhất là với giới văn phòng.

"Lương chưa tăng mà đi chợ thấy thứ gì cũng tăng giá cả, còn cả tháng nữa mới đến Tết đã vậy đến giáp Tết sẽ còn tăng hơn nhiều. Năm nay, công ty mình được nghỉ Tết từ 23 nên phải nghĩ kế kinh doanh gì đó mấy ngày cuối năm để còn lấy tiền tiêu thôi", chị Hà (Quan Hoa, Cầu Giấy), chia sẻ.

Chị Hà cho biết ở công ty, mọi người cũng đang rất hào hứng với các kế hoạch kinh doanh mấy ngày giáp Tết. "Không phải ai cũng muốn làm để kiếm tiền tiêu Tết như mình. Nhưng dịp kinh doanh cuối năm nhộn nhịp, lại được nghỉ sớm nên mọi người cũng muốn tranh thủ kiếm thêm", chị Hà nói.

Chị Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) năm nào cũng nhận đặt hàng làm bánh chưng dịp giáp Tết. Bánh của chị chủ yếu làm bán cho người quen, những người có nhu cầu mua bánh ăn Tết vì nhà không gói hoặc để biếu họ hàng.

"Quê chị ở Thái Bình nên năm nào gần Tết chị cũng về quê lấy gạo ngon nhà cấy được lên làm bánh, tiện thể đặt mua luôn chuối, bưởi thờ tận vườn mang xuống. Có khi lấy hộ họ hàng, bán cho mọi người cùng cơ quan. Đồ nhà làm ra không có thuốc sâu nên mọi người rất thích. Lời lãi cũng không nhiều lắm những có thêm chút tiền tiêu Tết cũng tốt", chị Ngọc vui vẻ.

"Bán hàng Tết là kiểu bán hàng theo thời vụ, chỉ có trong một thời gian ngắn khoảng 1 tháng trước tết do đó chỉ nên tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết hoặc đến Tết mới có nhu cầu", theo chị Lan (Quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trước hết cần xác định sản phẩm mình đinh kinh doanh là gì? Sản phẩm ấy người ta sẽ thường xuyên mua nhiều vào trong thời gian nào? Trước Tết 30 ngày hay trước 15 ngày, 10 ngày...?

Theo chị Lan, có thể lựa chọn các sản phẩm như các loại hoa quả cúng tết, các mặt hàng ăn như bánh chưng, bánh tét, các loại đặc sản các vùng như: thịt trâu, thịt lợn rừng, nấm hương rừng, mộc nhĩ rừng,... Dĩ nhiên, việc lựa chọn mặt hàng còn phụ thuộc vào mối hàng và khả năng kinh tế của từng người.

Vì thời gian bán hàng thường rất ngắn nên cần tính toán lấy hàng vừa đủ, nếu ế sẽ không có lãi, phải tập trung nguồn lực đế bán được hết hàng trước Tết. Do vậy, trước tiên nên mời bạn bè, người thân, hàng xóm,...nếu có mối quan hệ rộng và sản phẩm tốt, độc đáo thì hàng sẽ bán rất nhanh.

Ngoài ra còn có thể giới thiệu, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm trên facebook, trên các diễn đàn, mạng xã hội, trên các website như webtretho, lamchame, vatgia, các trang rao vặt...vì hiện nay lượng người mua hàng online cũng rất lớn.

"Để sản phẩm được biết đến nhiều hơn còn có thể làm SEO - cách để nhiều người khi tìm kiếm công cụ trên Google sẽ ra ngay sản phẩm của mình. Ví dụ, sắp Tết người ta sẽ mua quà để biếu, tặng thì từ khóa "quà tết 2016" sẽ được nhiều người tìm", chị Lan truyền kinh nghiệm.

Khả quan kinh doanh hoa Tết?

Việc lựa chọn kinh doanh mặt hàng gì còn phụ thuộc vào khả năng về tài chính, nguồn hàng,...của mỗi người. Tuy nhiên, trong số các mặt hàng đang được bán tán, lựa chọn kinh doanh thì hoa Tết có vẻ đang là mặt hàng khả quan nhất.

Chị Hằng, một dân văn phòng chuyên kinh doanh hoa dịp Tết, bật mí: "Hoa thì nhiều lắm, người bán cũng nhiều nhưng hoa của mình dịp Tết năm nào cũng vẫn đắt khách vì mình nhập được hoa đẹp và giá cả cạnh tranh".

Chị cho biết giá hoa thay đổi tùy thời điểm nên cần căn chuẩn thời gian lấy hàng để hạn chế rủi ro với việc tồn hàng hoặc bị ép giá.

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng với người kinh doanh hoa là phải có kinh nghiệm bảo quản. Theo chị Hằng, khi mua hoa về xong nên cắt chéo cành một tí thôi để dễ hút nước. Nghiền nát một viên aspirin bỏ vào nước và nên thay nước thường xuyên để giữ được hoa tươi lâu. Lúc cất hoa thì nên dựng hoa lên, cất vào chỗ tối, khuất gió nếu không hoa rất dễ bị đen, héo, thỉnh thoảng tưới nước để giữ ẩm.

Ngoài ra, phải biết chọn hoa để tránh mua phải hoa để lâu rồi. Chẳng hạn, nếu là hoa hồng mua ở chợ hoa, khi bóp nhẹ ở đầu bông hoa thấy lạnh thì là hoa đã để lâu.

"Mình thấy bán hoa dịp Tết là hay nhất, vì vốn cũng ít, lời cũng khá, mà mình cũng nhàn, không sợ ôm hàng. Năm ngoái mình cùng bán với mấy chị nữa, cùng nhau mua, chia ra bán, ai hết trước thì bán giúp người còn, vậy nên bán được hết sạch hàng. Năm ngoái bán xong phải giấu ít cành lại chưng trong nhà chứ không thì cũng hết sạch sẽ. Hy vọng năm nay cũng thế", chị vui vẻ nói thêm.

Chị Thảo, một thành viên trên diễn đàn webtretho cũng chia sẻ kế hoạch kinh doanh hoa dịp Tết. Chị cho biết chị có mối lấy hoa từ trong Đà Lạt, có người quen nên sẽ lấy được giá gốc, hoa sẽ được chuyển ra bằng xe lạnh.

"Mình đã rủ được mấy chị cùng cơ quan chung nhau lấy hàng để giảm được giá cước. Nhà mình ở mặt đường nên có thể bán ngay tại nhà. Năm ngoái, ngó thấy của hàng rau sạch gần nhà bán kèm hoa rất đắt khách, mình sẽ thử đi bỏ mối thêm ở các cửa hàng rau này".

Chị Thảo nói rằng, vẫn biết bán hàng còn cần có duyên và kinh doanh gì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng do đã ấp ủ ý định bán hoa Tết lâu rồi nên năm nay quyết chen chân vào thị trường này cuối năm để kiếm chút tiền ăn Tết.