Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Lạ kỳ phong tục đón tết của người Thái

Về với Mộc Châu (Sơn La) dù mới cuối đông, nhưng dường như sắc xuân đã "gõ cửa" miền đất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Đến nơi đây, du khách không những được thỏa mình với hoa xuân và sương phủ, mà còn được đắm chìm với các phong tục của các dân tộc bản địa nơi đây. Với những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền mang đậm bản sắc riêng có của người Thái.

Không giống như một số dân tộc ít người khác, một năm thường có nhiều cái Tết, người Thái trên cao nguyên Mộc Châu chỉ ăn tết chung với Tết Nguyên đán của cả nước. Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Theo tập tục, người Thái bắt đầu ăn tết từ ngày 25 tháng Chạp Âm lịch cho tới hết mồng 10 tháng Giêng của năm mới.

"Độc, lạ"... cơm cúng tất niên

Ban ngày, trời Mộc Châu thường nắng nhẹ và se lạnh. Nhưng đêm đến, cái lạnh dường như "nặng đô" vì sương núi xuống. Không gì thích bằng việc được nhâm nhi rượu cần và ngồi nghe người già kể chuyện về tập tục đón tết xưa, nay.

Cũng như các dân tộc khác trên mọi miền đất nước, mâm cơm trong ngày Tết của người Thái được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Tuy nhiên, dù có thay đổi nhưng mâm cơm cúng tết của dân tộc Thái vẫn giữ được nét cầu kỳ riêng biệt.

Thầy mo bản Áng, Hà Văn Nhanh kể rằng, xưa kia mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá đồ, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, chuột khô, thịt hươu, nai khô, cơm cốm, măng khô... Riêng món thịt hươu, thịt nai thường có được nhờ săn bắn và chuẩn bị từ trước đó khoảng nửa tháng. Và theo phong tục xưa, đây là những món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng Tết.

 "Cỗ cúng có nhiều món lắm! Rất nặng, phải bê lên đặt xuống tới những 9 lần mới đặt được tới bàn thờ tổ tiên. Người Thái quan niệm, cỗ cúng tết phải đủ đầy, nhiều thịt, nhiều cá,... thì tiên tổ mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng no quanh năm" - ông Nhanh chậm rãi kể.

Theo tập tục, người Thái cúng tổ tiên từ 25 tháng Chạp tới hết ngày mùng 5 của năm mới. Xưa kia người Thái cúng tổ tiên bằng những sản vật săn bắn được, còn ngày nay dù không đổi nhiều nhưng cũng có vài điểm khác.

Vừa nhấp ngụm rượu cần, thầy mo Nhanh kể tiếp, "sau này, người Thái mới có tục gói bánh chưng và thường gói vào 29 Tết. Bánh chưng được gói thành hai loại đen và trắng. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn.

Ngoài ra, trước khi gói bánh thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Thường thì bánh chưng của dân tộc Thái ít dùng nhân bởi họ quan niệm, "hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong. Theo họ, đó là tinh hoa của thành quả lao động để dâng lên tổ tiên (ma nhà).



Tục đón giao thừa "Pông Chay"...

Tiếp lời thầy mo Nhanh, bà Đinh Thị Loan (vợ thầy Nhanh) vui vẻ kể lại, sau khi chuẩn bị tươm tất để đón Tết, người Thái sẽ cúng tất niên vào đêm 30. Người Thái có tục đón giao thừa "Pông Chay". Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bán rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.

Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm,... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu". Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên - bà Loan kể tỉ mỉ.

 Ngày nay, ở một số nơi tổ chức các hoạt động tập thể đêm giao thừa, có hoạt động văn hóa đã trở thành tập tục khá riêng biệt và độc đáo của người dân tộc Thái như hái hoa dân chủ. Hoạt động văn hóa này thường do đoàn thanh niên, có nơi do hội phụ nữ... tổ chức.

Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mùng 1 đầu năm, đó là tục đi lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi. Cả làng đi lấy nước nếu nhặt được đồ trong khi đi lấy nước thì họ cho là may mắn và vui mừng mang về nhà.

12 lễ hội đầu năm ở miền bắc không nên bỏ qua

Tháng Giêng là khoảng thời gian có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng là lúc người dân đi lễ hội đầu năm rất đông.



1. Lễ hội chùa Hương ngày 6/1 ở Mỹ Đức (Hà Nội)

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về và cũng là lễ hội dài nhất cả nước. Lễ hội Chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

Tuy nhiên, không đợi đến ngày khai hội, vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch rất nhiều người dân tứ phương đến trẩy hội từ sớm.

Được biết, giá vé lễ hội không thay đổi từ 2012 đến nay. Cụ thể, giá vé thăm quan là 50.000 đồng/khách và vé đò dọc từ 35 – 40.000 đồng/khách. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho khách, hạn chế sự quá tải trên thuyền, năm nay nhiều chủ thuyền đã thiết kế mô hình thuyền có ghế ngồi, mỗi thuyền chỉ chở tối đa 7 – 8 du khách.

Năm nay, đường dây nóng có khác mọi năm là việc công khai số điện thoại của trưởng ban tổ chức và phó ban thường trực tổ chức để nghe phản ánh của người dân khi tham gia lễ hội.

0912 588 905 (Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương) và 0913 327 430 (Phó ban Thường trực tổ chức Lễ hội Chùa Hương).

Theo dự đoán của BTC, lượng du khách trẩy hội năm nay có khoảng 1,5 triệu lượt khách (so với năm ngoái tăng 5 – 10%). Lượng du khách đông nhất vào tháng Giêng, sau ngày 19/2, lượng khách giảm và đến ngày 25/3 kết thúc hội.

2. Hội gò Đống Đa ngày 5/1 ở Hà Nội

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

3. Lễ hội đền Gióng ngày 6/1 (Sóc Sơn, Hà Nội)

Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm. Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời.

Lễ hội  diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng .

Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, HN) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Lễ hội Lim ngày 13/1 ở Bắc Ninh

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

 Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến.

Ngoài ra, có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm...

5. Lễ hội Yên Tử 10/1 ở Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ chính thức khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch tức 11/1 Dương lịch.

Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an còn có các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…

Đặc biệt nhất là sự tham gia của đồng bào dân tộc ít người quanh vùng núi Yên Tử và các vùng lân cận vào các hoạt động của lễ hội vừa làm phong phú cho các chương trình vừa gắn chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em.

Hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách.

5. Hội Xoan ngày 7/1 ở Phú Thọ

Diễn ra tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.

Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông.

Mồng 10 tháng Giêng diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn.

 6. Lễ hội Côn Sơn ngày 10/1 ở Hải Dương

Lễ hội Côn Sơn bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng. Chùa Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương) đã được đón khách thập phương đến lễ Phật và trẩy hội. Chính thức lễ hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng đến ngày 22 thì kết thúc.

 8. Lễ hội đền Trần ngày 12/1 ở Nam Định

Lễ hội ở đền Trần hay còn gọi là lễ Khai ấn đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Theo Ban tổ chức, năm nay 2014, lễ hội đền Trần sẽ diễn ra sớm hơn một ngày so với năm 2013 (năm 2013 lễ hội từ 15-17 tháng Giêng). Vào ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức ngày 13/1/2014 Dương lịch), Ban tổ chức sẽ tiến hành nghi lễ rước nước, tế cá. Đây cũng là năm đầu tiên lễ hội đền Trần có thêm 2 nghi thức này.

Sau khi thực hiện nghi lễ rước nước và tế cá, Ban tổ chức sẽ tiến hành các nghi lễ truyền thống của lễ hội đền Trần. Và lễ phát ấn cho nhân dân và khách thập phương bắt đầu từ 7h sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch (14/2). Ấn đền Trần sẽ được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

 9. Hội chùa Keo ngày 14/1 ở Thái Bình

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo.

Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa màu xanh bát ngàn của quê lúa Thái Bình.

Chùa thờ Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc Sư. Ngoài lễ Phật còn có các trò chơi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo...

 10. Lễ hội Bà chúa Kho ngày 14/1 tại Bắc Ninh

Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam.

Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".

Theo truyền thuyết, Bà Chúa Kho là người phụ nữ chịu khó, sau khi lấy vua nhà Lý, bà xin vua cho về vùng Vũ Ninh chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tổ chức sản xuất ở 72 trang ấp. Bà còn trông nom kho lương thực, bảo quản tốt quân lương trong và sau chiến thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1076. Khi Bà qua đời, mộ của bà được đưa về thôn Quả Cảm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) nơi bà sinh ra.

Còn ở các trang ấp đều có đền thờ. Tại xã Cổ Mễ, nhân dân làm đền thờ bà Chúa tại núi Kho, nên còn có tên là đền thờ bà Chúa Kho.

11. Hội Chùa Thầy ngày 5/3 ở Quốc Oai (Hà Nội)

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 đến 7-3 âm lịch. Đến với chùa Thầy, du khách được chiêm ngưỡng phong cảnh non nước hữu tình, thưởng thức các màn rối nước đặc sắc - một môn nghệ thuật truyền thống mà tổ sư của nghề không ai khác chính là Từ Đạo Hạnh truyền lại.

12. Hội đền Hùng ngày 10/3 ở Phú Thọ

Thời gian tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014 tiến hành từ ngày 06/3 đến ngày 10/3 (âm lịch). Đối với nghi thức phần lễ được tiến hành như những năm trước; phần hội tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Về miền quê di sản” tại Quảng trường Hùng Vương (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào tối 06/3 (âm lịch), được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của tỉnh và tiến hành bắn pháo hoa tầm thấp sau khi kết thúc chương trình biểu diễn.

Quá trình tổ chức các hoạt động hội phong phú, phù hợp với quy mô là năm lẻ, tập trung vào một số hoạt động chính như: Hội thi gói, nấu bánh chương và giã bánh giầy, Liên hoan hát Xoan, hội thi bơi Chải, triển lãm, tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng…

Về việc tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ được tiến hành vào lúc 18 giờ ngày 30/01/2014 (tức 30 Tết Nguyên đán) tại Đền Thượng – Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

9 món ăn không thể thiếu trong ngày tết ở Trung Quốc

Trung Quốc cũng giống như nhiều nước châu Á khác ăn tết theo âm lịch. Tết Nguyên Đán là dịp quan trọng nhất của người Trung Hoa để mọi người trong gia đinh đoàn tụ sum họp lại với nhau.

Người Trung Hoa dù ở vùng nào thì trong bữa cơm sum họp ngày tết không thể thiếu những món ăn như bánh tổ, vịt quay, há cảo… đây là những món ăn mang rất nhiều nghĩa, là lời chúc và niềm hy vọng trong năm mới.

Nếu du lịch Trung Quốc trong những ngày tết đến xuân về, bên cạnh thưởng ngoạn những cảnh đẹp màu xuân của đất nước rộng lớn này, thì du khách hãy thưởng thức những món ăn truyền thống dưới đây, để đem lại sự may mắn cho mình trong năm mới.

1.     Bánh tổ(Niao Gao) 

Bánh tổ mang ý nghĩa chung là cầu cho một năm mới thịnh vượng

Vào những ngày Tết cổ truyền, trong mâm cỗ truyền thống của người Trung Quốc không bao giờ thiếu món bánh tổ. Đây là loại bánh được làm từ gạo nếp, loại tốt, dẻo và thơm, đường bát được “thắng” kỹ, loại bỏ hết tạp chất và bỏ ít gừng tươi để tạo hương vị. Bánh tổ được làm nhiều kiểu, nhiều cách khác nhau, rất hấp dẫn cho phù hợp với mùa lễ Tết, nhưng vẫn mang một ý nghĩa chung là cầu cho một năm mới thịnh vượng hơn. Ngày nay bánh tổ không chỉ là một món ăn riêng của người Hoa, mà còn được nhiều nơi, quốc gia yêu thích. Bánh tổ trở thành món quà tặng phổ biến trong dịp năm mới.

2. Sủi cảo(Jiaozi)



Sủi cảo tượng trưng cho sự giàu có và hy vọng về tương lai tươi sáng

Theo phong tục của người Trung Quốc, trước thời khắc giao thừa sủi cảo được các thành viên trong gia đình chuẩn bị và ăn sau nửa đêm. Bất kể là đi công tác, học tập hay làm ăn xa nhà, đều trở về đoàn tụ với gia đình. Cả gia đình quây quần gói sủi cảo, ăn sủi cảo, chung vui, đầm ấm trong bầu không khí thanh thản của ngày tết. Một trong những thành viên trong gia đình may mắn có thể tìm thấy một đồng tiền xu trong chiếc bánh sủi cảo của mình

Được xem là món ăn may mắn vì những chiếc bánh này trông giống như những đồng tiền cổ của Trung Quốc. Sủi cảo tượng trưng cho sự giàu có và hy vọng cho một tương lai tươi sáng. Ngoài dịp năm mới, nhiều gia đình cũng chuẩn bị bánh sủi cảo cho những dịp đặc biệt khác như: Ngày sinh, các dịp lễ tây như Giáng sinh hoặc Lễ Tạ Ơn. cả gia đình cùng ăn, tượng trưng cho sự đoàn tụ. Chủ nhà mời khách ăn bánh để tỏ lòng quý trọng và sự nhiệt tình.

3. Bánh há cảo (Har Gao)

Há cảo được thưởng thức trong dịp năm mới

Há cảo cũng có thể gọi là har gow, har kau, har gao, ha gao, ha gow, ha gau, har gaw, ha gaw, har kaw, ha gaau, har cow, har gaau) là bánh bao tôm hấp với lớp vỏ bột sáng bóng chứa các thành phần bí mật. Mặc dù không phải là một món ăn truyền thống của năm mới, nhưng các loại bánh há cảo đều được thưởng thức trong dịp năm mới.  Những chiếc bánh há cảo được nặn giống hình dạng một chú thỏ. Nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy rõ chiếc tai dài xinh xắn.

4. Salad cá (Yu sheng)

 Yu sheng luôn có mặt trong mâm cơm Tết truyền thống của người Trung Quốc

 Với món há cảo và sủi cảo có lẽ đối với người Việt Nam ta nhất là ở Sài Gòn đã khá quen thuộc. Nhưng món salad cá thì ít được biết đến hơn, vì vậy nếu đi du lịch Trung Quốc dịp tết, du khách không nên bỏ qua món ăn thơm ngon và độc đáo này. yu sheng hay còn được biết với tên Lo Hei là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết truyền thống của người Trung Quốc, là món salad đầy màu sắc của cá tươi và rau, quả. Những năm gần đây, các nguyên liệu đã trở nên ngày càng phong phú, bao gồm sứa, đu đủ, khoai lang, hẹ ngâm và nhiều hơn nữa.

5. Gà Kung Pao

Gà Kung Pao là  một món ăn của tỉnh Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc , được  được làm từ gà  và nấu cùng cay với ớt, đậu . Ngoài ra Kung Pao còn có thể nấu với  Tôm, Thịt bò, và thậm chí cả rau. Tuy nhiên, món ăn truyền thống được làm với thịt gà. Món gà Kung Pao mang biểu tượng trường thọ trong văn hóa Trung Quốc.

6. Vịt quay

Khi đến Bắc Kinh, du khách không nên bỏ qua món vịt quay Bắc Kinh danh tiếng, đây là món ăn đặc sản của vùng Bắc Kinh, vịt quay Bắc Kinh đã thực sự trở thành một thương hiệu riêng, một nét văn hóa ẩm thực độc đáo mà người dân nơi đây tự hào giới thiệu cho khách du lịch. Ra đời từ thời nhà Nguyên, đến thế kỉ thứ 15 món này đã trở thành một thực phẩm ưa thích của giới thượng lưu, vua chúa. Để có được món vịt quay ngon, yêu cầu phải chuẩn bị chu đáo, công phu từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến. Một con vịt quay ngon sẽ có lớp da chín màu bánh mật giòn, vị béo mà không ngấy, thịt bên trong lại mềm như trứng luộc. Vịt luôn được chặt miếng nhỏ, khoảng 120 miếng/con.

7. Thịt lợn chua ngọt

Thịt lợn chua ngọt thể hiện hy vọng gia đình có nhiều con cháu

Trong mâm cỗ ngày tết của người Trung Quốc, nếu không có món thịt lợn chua ngọt thì không thể gọi là đầy đủ được. Món ăn thịt lợn chua ngọt được làm từ  những miếng thịt heo chiên kỹ với dứa, ớt chuông và sốt chua ngọt, thể hiện hy vọng gia đình có nhiều con cháu. Theo tiếng Quảng Đông, từ “chua” đồng âm với từ “cháu”.

8. Chả giò

Chả giò tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng

Bởi màu sắc và hình dạng cũng tương tự như một thanh vàng, nên món chả giò là một món ăn  tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Ban đầu, chả giò được làm với nhiều rau, sau đó tôm và thịt lợn đã được thêm vào. Cũng giống như món nem rán, trứng cuộn, appetizer khác tượng trưng sự giàu có, tiền bạc, của cải.

9. Khay mứt

Khay mứt 8 ngăn đem đến sự may mắn

Trong dịp Tết, người Trung Quốc cũng tiếp đón khách đến chơi nhà bằng một khay hình tròn hoặc hình bát giác với các loại kẹo, mứt ngọt. Khay đựng thường có tám ngăn, như Trung Quốc quan niệm số tám là số may mắn. Các khay trong hình ảnh này có chứa nhiều loại mứt trái cây: Bí đao, dừa, hạt sen, củ sen, hạt dẻ cười, cà rốt và quýt…

Những nước nào trên thế giới đón tết âm lịch giống Việt Nam?

Nguyên đán nghĩa là ngày đầu tiên của năm mới, tính theo lịch mặt trăng - Âm lịch.

Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á. Tết Nguyên đán đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành. Ở nhiều nước, thời điểm giao mùa này cũng thường được tínhtừ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên.

Trung Quốc
Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình.

Mừng năm mới theo tiếng Trung Quốc là "Guo Nian", trong đó Nian có nghĩa là năm. Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì Nian là tên một con quái vật luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành, và một năm nọ người ta phát hiện con quái vật này rất sợ màu đỏ và tiếng ồn.

Kể từ đó cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Người ta viết lên giấy đỏ những lời cầu chúc rồi dán lên cửa, cắt giấy hoa văn thể hiện niềm hy vọng, rồi dán lên cửa sổ, làm một thứ "bánh gói" - ngụ ý gói những điều chúc phúc ở trong đó. Trước ngày Tết, người Trung Quốc cũng làm vệ sinh nhà cửa để “xả xui”.

Ngày Tết, người Trung Quốc cũng có thói quen quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên. Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.

Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững. Một điều thú vị là phiên âm Nian Gao còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên. Đó cũng chính là mong ước của mọi người trong năm mới. Trong số các loại bánh ngọt truyền thống của Trung Quốc, Nian Gao có lẽ là loại lớn nhất, đặc biệt phổ biến trong dịp năm mới. Chiếc bánh này không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Trung Quốc. Bánh Nian Gao cũng là món quà tặng phổ biến trong dịp năm mới.

Giống như Tết của người Việt Nam trên bàn thường có khay bánh kẹo đón khách vào ngày Tết, người Trung Quốc cũng có một khay tròn 8 ngăn, hoặc 6 ngăn (hai số phúc lộc theo quan niệm của người phương Đông) để sắp xếp bánh kẹo theo vòng tròn, được gọi là “khay sum họp”. Mỗi loại bánh, mứt, kẹo có trong khay hàm chứa một ý nghĩa riêng: Kẹo: khởi đầu năm mới ngọt ngào; Hạt dưa đỏ: niềm vui, hạnh phúc, sự chân thành; Vải sấy khô: quan hệ gia đình bền chặt; Quả kim quất: thịnh vượng; Mứt dừa: sự gắn bó; Đậu phộng: sống lâu; Long nhãn: sinh nhiều con trai; Hạt sen: con cháu đầy đàn…

 Người Trung Quốc còn có phong tục mang theo một túi cam quýt có bỏ kèm những phong lì xì mừng tuổi khi đến chơi nhà bạn bè, người thân trong hai tuần đầu năm mới.

 Ngoài màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc, rất thịnh tại các nước phương Đông, phong tục biếu cam quýt này còn phát triển nhờ thú chơi chữ của người Trung Quốc xưa.

 Trong tiếng Hán, chữ “cam” phát âm gần giống như “giàu có”, còn chữ “quýt” thì lại giống như “may mắn”. Đặc biết, đối với những đôi vợ chồng trẻ mới cưới, hai loại trái cây này còn được coi như lời chúc sinh con đàn cháu đống…

Hàn Quốc


Ở Hàn Quốc, năm mới chính thức bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch. Nhưng từ những ngày cuối năm âm, không khí Tết đã tràn ngập khắp các ngả đường và trong mỗi gia đình. Ngày 30 Tết, các gia đình Hàn Quốc cũng dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối trước Giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đêm Giao thừa, người Hàn Quốc đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Người Hàn Quốc quan niệm đêm Giao thừa không ai ngủ vì nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.

Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà) và món cay kim chi. Người Hàn cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc không thể trọn vẹn nếu thiếu món canh bánh gạo (tteokguk) - món canh mang ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong tương lai. Canh được làm bằng cách nấu nhiều lát bánh gạo. Ngoài ra còn có các món khác như cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.

Sáng mùng 1 Tết, người Hàn có phong tục tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool, một loại rượu bổ làm cho thính giác tinh nhạy, sau đó tiến hành nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa do trưởng nam trong gia đình đứng ra làm lễ. Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết trên giấy sớ sẽ đốt đi sau khi cúng. Chủ gia đình thắp hương, khấn mời Tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm lễ.

Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ sẽ thưởng tiền hoặc vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của người con cháu trong gia đình cũng như điều kiện, hoàn cảnh của gia đình đó.

Sau đó, cả nhà cùng quây quần thụ lộc những đồ ăn vừa cúng Tổ tiên. Tiếp đến, đi chúc tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ Tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh, hoặc tới chùa.

Ngày Tết, trước cửa nhà người Hàn Quốc không thể thiếu một cái xẻng bằng rơm (gọi là Bok jo ri) với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm. Trước đây, ở Hàn Quốc còn có người đi bán rong “Bok jo ri” vào sáng mùng 1. Họ được coi là người đem lại sự may mắn cho năm mới. Ai gọi được người bán hàng rong “Bok jo ri” vào nhà càng sớm thì sẽ được nhiều lộc. Ngày nay, không còn những người bán hàng rong như thế nữa. “Bok jo ri” được mua ở cửa hàng từ trước Tết.

Triều Tiên

Trước kia, người Triều Tiên đón Tết vào tháng 10 và tháng 11, gần đây mới chuyển dần sang mồng 1 tháng Giêng Âm lịch.

Đêm 30 Tết, các gia đình quét dọn trong nhà ngoài hiên, treo câu đối Tết, tranh Tết, làm cơm Tết và may quần áo Tết. Sáng sớm ngày mồng 1, mọi người dậy sớm, chỉn chu quần áo đón Tết, quay quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên); sau đó bề trên đáp lễ bằng việc mời cơm Tết. Cả nhà sẽ cùng nhau dùng Ttok-kuk, món ăn được làm từ nước cơm, với bánh gạo và đậu xanh. Ttok-kuk có ý nghĩa là “tăng xuân”, người Triều Tiên tin rằng vào ngày đầu tiên của năm mới nếu dùng một bát Ttok-kuk thì họ sẽ được thêm một tuổi nữa bởi họ quan niệm khi họ thêm 1 tuổi là khi hết năm cũ chứ không phải sau ngày sinh nhật như những nơi khác.

Ngày Tết Nguyên đán ở Triều Tiên không thể thiếu 2 phong tục: "đuổi quỉ' và "đốt tóc". Để “đuổi quỉ", họ bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mồng 1 Tết đem vứt ra ngã tư đường với ý tống khứ ma quỉ, nghênh đón điều tốt lành. Tục "đốt tóc" thường được làm vào buổi chiều mùng 1, người ta đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều bình an và xua đuổi dịch bệnh.

Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên đó là món “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.

Tết của người Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống đặc sắc như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy pháp saman đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc.

 Singapore

Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán âm lịch cổ truyền. Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

Lễ hội hoa đăng là hoạt động đầu tiên của tháng các hoạt động Lễ hội Chunjie,diễn ra ở khu Chinatown - trung tâm của Lễ hội Tết Âm lịch ở Singapore. Đêm Hoa đăng được khai mạc vào thời điểm cụ thể khác nhau tuỳ theo mỗi năm nhưng thường ngoài trung tuần tháng 1 dương lịch và trước ngày mồng 1 Tết Âm lịch khoảng 15-20 ngày với hình ảnh trang trí ứng với các con vật tượng trưng cho năm đó theo quy luật lần lượt 12 con giáp. Vào dịp này, người dân Singapore đi du xuân với nhiều hoạt động khác nhau như đến các đền chùa để lễ thần phật xin lộc đầu năm và cả năm mới, hoặc vãn cảnh ở các vườn hoa, công viên, khu di tích, danh thắng văn hóa, hoặc các khu vui chơi giải trí trong cả nước…

Lễ hội Singapore River Hongbao trở thành sự kiện văn hóa thường niên trong Lễ hội mùa xuân ở Singapore bắt đầu từ năm 1987. Sự kiện này thường được tổ chức tại Công viên Esplanade lộng lẫy với một chuỗi những hoạt động giải trí dành cho trẻ em, người lớn và cả người già, tạo nên một sân chơi lí tưởng cho cả gia đình. Mọi người, nhất là các du khách nước ngoài sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa Trung Hoa thông qua các gian trưng bày và hoạt động biểu diễn, bao gồm khu trưng bày những bức tượng khổng lồ của các thần thoại Trung Hoa như Thần Tài và 12 Con Giáp cũng như chương trình biểu diễn hàng đêm của các nghệ sỹ đến từ Tây Tạng và các tiết mục biểu diễn pháo hoa đặc sắc trên Vịnh Marina. Bên cạnh đó, sẽ có những buổi trình diễn ẩm thực các món ăn truyền thống, cuộc thi viết thư pháp và những trò chơi vui nhộn hứa hẹn mang đến những khoảnh khắc ấn tượng cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Lễ hội Đường phố Chingay ở Singapore thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng cũng là kết thúc tết. Hoạt động này thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố.

Tên gọi Chingay theo tiếng Hoa có nghĩa là "nghệ thuật trang phục và hoá trang". Đây là hoạt động độc đáo để người dân Singapore vừa vui chơi, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.

Trong suốt 15 ngày từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày 15 tháng Giêng, trên đất nước Singapore đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân, là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau. Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng “hong baos” (tiền lì xì đựng trong bao đỏ) cho những người thân chưa lập gia đình là biểu thị một cách cầu chúc may mắn cho họ.

Mông Cổ

Mông Cổ là một trong số ít quốc gia ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam. Ở Mông Cổ, hai dịp lễ quan trọng được chờ đợi nhất là Tết tháng trắng (người dân địa phương gọi là Tsagaan Sar) vào tháng giêng và tết Naadam vào tháng 7.

Những ngày này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào khởi đầu mới tốt, đẹp hơn. Nghi thức trước đêm Giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát với sữa ngựa.

Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm. Trước tiên, họ pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.

Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa. 

Ngày Tết gặp nhau, người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: "Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt". Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn.

Cũng giống như Việt Nam, tại nhiều nước Đông Á khác, ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền đã là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ trong sự hoà thuận, yêu thương và mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất./.

Ðể người cao tuổi đón Tết an lành

Ngày Tết là dịp tốt để chúng ta bàn về việc chăm sóc sức khỏe cho các bậc cao niên. Ðây là công việc đòi hỏi người chăm sóc vừa phải có lòng kính trọng đối với người cao tuổi, vừa phải có kiến thức y học mới có thể làm tốt.

Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa bắt đầu suy giảm hiệu suất hoạt động, thị lực cũng giảm, răng yếu, mũi kém nhạ̣y, tuyến nước bọt tiết ít khiến Người cao tuổi cảm thấy ăn không ngon miệng, làm ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của tuổi già. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao... Vì thế, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp nâng cao sức khỏe kéo dài tuổi thọ. Nếu ở người trẻ tuổi mỗi ngày cần 2.200 - 2.500kcal thì ở người 60 tuổi chỉ cần 2.000kcal và 70 tuổi trở lên chỉ cần 1.500 - 1.800kcal là đủ. Người cao tuổi cần chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ. Ăn nhiều thức ăn nguồn gốc thực vật (vừng, lạc, đỗ, đậu, rau xanh, quả chín), giảm lượng thịt thay bằng cá.

Không ăn quá no: Dù ngày Tết nhiều món ăn ngon nhưng cũng chỉ nên ăn chừng mực. Thường xuyên thay đổi thực đơn, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn phải mềm, thái nhỏ, nghiền kỹ. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối vì khi nằm, dạ dày căng sẽ đẩy cơ hoành lên chèn ép, cản trở hoạt động của tim. Hải Thượng Lãn Ông khuyên: “Muốn cho ngũ tạng được yên - bớt ăn mấy miếng nhìn thèm hơn đau”. Sách còn ghi “Ăn cần lượng ít lần nhiều - không ăn quá nhiều đầy bụng khó tiêu’’.Ăn nhiều quá thành tích tụ, uống nhiều quá thành đờm tích, ý là làm rối loạn tiêu hóa gây nên bệnh.

Giảm đường: Năng lượng cho chất béo cung cấp nên đạt từ 20% tổng số năng lượng, cũng không nên quá đề cao chất béo từ thực vật mà bỏ qua mỡ động vật.

Đối với Người cao tuổi, ăn nhiều đường không tốt cho sức khỏe vì tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường, tim mạch. Tuy nhiên, việc ăn bao nhiêu đường bột là vừa thì còn phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng của mỗi người (tình trạng béo gầy, hoạt động thể lực nhiều hay ít).

Giảm muối: Ở Người cao tuổi, chức năng thận yếu, các cơ quan khác đều bị lão hóa, sức đề kháng yếu, suy giảm chức năng đào thải nên không thích hợp ăn mặn. Nếu ăn mặn sẽ bị tăng huyết áp, ảnh hưởng chức năng tim, thận bởi muối làm động mạch co thắt, huyết áp tăng cao, thúc đẩy tăng nhanh xơ vữa động mạch tại thận gây tăng huyết áp và dẫn tới suy thận. Vì thế, Người cao tuổi chỉ nên ăn một lượng muối dưới 6g/ ngày. Ngoài ra, nên ăn ít dưa cà muối bởi đó là những thức ăn chứa nhiều muối, hơn nữa, vitamin trong những món ăn này rất thấp nên không thích hợp cho Người cao tuổi. Chú ý, Người cao tuổi do vị giác lão hóa, nhạy cảm với mặn kém, do vậy, không phải nếm thấy mặn mới là mặn, nhiều khi không thấy mặn mà lượng natri đã nhiều, do vậy, cần định lượng chính xác khi nấu.

Ưu tiên vitamin và khoáng chất: các vitamin A, B, C, D, E... và khoáng chất (sắt, kẽm, selen, magne, kali...) có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Các vitamin và khoáng chất này có nhiều trong thực phẩm thiên nhiên như rau xanh thẫm, quả chín có màu vàng đỏ. Việc sử dụng thức ăn nhiều canxi (sữa và các chế phẩm của sữa) cũng rất quan trọng nhưng nên sử dụng sữa tách bơ. Nếu do răng yếu không ăn được nhiều rau thì nên dùng nước ép hoặc uống bổ sung vitamin ở dạng thực phẩm chức năng hoặc dược phẩm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Vậy Người cao tuổi cần kiêng ăn và không kiêng ăn gì trong những ngày Tết?

Ngày Tết cổ truyền có nhiều món ăn ngon và la,̣ Người cao tuổi đều ăn được trừ những người có bệnh như: người bệnh thận cần ăn nhạt, hạn chế đồ ăn sẵn nhiều muối (như giò, chả, thịt nấu đông, xúc xích); người đái tháo đường cần hạn chế ăn các chất ngọt (như mứt, bánh, kẹo, nước ngọt, trái cây ngọt, kể cả bánh chưng cũng nên ăn vừa phải). Điều quan trọng là kiểm tra đường huyết và dùng thuốc hạ đường huyết đủ. Người THA thì chỉ cần nhớ không uống nhiều rượu bia, không ăn nhiều muối vì dù chỉ một bữa cũng có thể làm huyết áp tăng cao và nguy hiểm còn các thức ăn khác thì cứ vô tư, trong vài ngày Tết sẽ không cần kiêng; Người tăng mỡ máu trong những ngày Tết nếu có ăn giò mỡ, thức ăn béo ngậy cũng không sao vì ngày thường kiêng mãi rồi nên vài ngày Tết có phá luật tý không sao; người dị ứng thực phẩm, nhất là hải sản, ngày Tết lại hay dùng nên phải chú ý.

Đừng quên luyện tập: Đối với việc luyện tập, có thể không nhất thiết như ngày thường nhưng cũng không nên nằm nhiều. Hãy đi bộ thăm thú bạn bè hay dạo công viên cùng con cháu sẽ giúp Người cao tuổi sống thoải mái và vui vẻ hơn khi Tết đến xuân về. 

Những thói quen hại sức khỏe cần tránh trong dịp lễ, Tết

Suốt 11 tháng trong năm bạn luôn thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống... Nhưng đến lễ Tết, vì quá ham chơi nên bạn phá vỡ tất cả những thói quen tốt đẹp đó.

Dưới đây là những sai lầm nên tránh trong những dịp lễ, tết và biện pháp khắc phục.

Chải răng sau khi uống rượu

Nhiều người sau khi uống vang đỏ liền chạy thẳng vào phòng tắm đánh răng. Tuy nhiên, theo nha sĩ Gigi Meinecke - phát ngôn viên Viện Hàn lâm Nha khoa Tổng quát, rượu (trắng và đỏ) có thể hòa tan men răng, nếu chải răng ngay tức thì có thể góp phần làm mòn răng.

Thay vào đó, chỉ nên trung hòa axit bằng cách súc miệng với nước lọc. Khi uống rượu chỉ nên nhấm nháp và nuốt, tránh ngậm và súc rượu qua kẽ răng.

Nhịn đói trước tiệc tùng

Nhiều người thường bỏ bữa nhẹ buổi chiều nếu tối đi dự tiệc, nhưng theo chuyên gia dinh dưỡng J.J. Virgin, tác giả cuốn Six Weeks to Sleeveless and Sexy thì đây là ý tưởng sai lầm.

Bạn sẽ rất đói nếu nhịn ăn bữa nhẹ trước tiệc dẫn đến việc tiêu thụ nhiều món khai vị và rượu vang chứa nhiều calo. Giải pháp tốt nhất là bạn nên nhấm nháp ít hạt dẻ, đậu phộng, đồ ăn nhẹ... trước khi đi tiệc.

Đêm chơi quá nhiều, sáng ngủ nướng

Tiệc tùng, mua sắm, thăm thú, du lịch... chật kín thời gian biểu kỳ nghỉ của bạn, khiến bạn không có thời gian ngủ nghỉ. Thức khuya, dậy trễ có thể khiến bạn thực hiện hết sạch kế hoạch "ăn chơi" đã đặt ra, nhưng đổi lại bạn bị thiếu ngủ.

Ngủ không đủ giấc làm giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng tâm trạng và năng lượng cơ thể. Ngoài ra, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng ban đêm có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Lạm dụng xà phòng diệt khuẩn

Dùng xà phòng diệt khuẩn trong những ngày lạnh để chống cảm cúm là ý tưởng tốt, đặc biệt khi bạn thường xuyên ra ngoài bắt tay, tiếp xúc bạn bè, đồng nghiệp trong dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, lạm dụng xà phòng diệt khuẩn mang lại tác dụng ngược cho sức khỏe. Các nhà nghiên cứu thấy rằng thành phần triclosan có trong nhiều sản phẩm diệt khuẩn tiếp tay cho vi khuẩn kháng thuốc.

Ngủ li bì




Ngủ là sở thích của nhiều người trong các kỳ nghỉ, nếu bạn sắp xếp được một ngày nghỉ để ngủ không giới hạn thì quả thực tuyệt vời.

Tuy nhiên, ngủ ngày liên tục có thể khiến khó ngủ về đêm, gây ra chứng mất ngủ kinh niên. Đồng thời, nằm trên giường quá nhiều suốt mùa đông có thể là dấu hiệu của trầm cảm.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Cách khử mùi hôi trên thịt



Khử mùi cật heo: cật heo luôn có mùi khai rất khó ăn, vì thế khi mua về, bổ đôi cật ra, bóc hết màng trắng bên trong, dùng dao khứa hình lát chả trên bề mặt cật, sau đó trộn với muỗng canh giấm hay rượu trắng, xóc đều, để một lát, rồi cho vào nước ngâm từ 5 – 10 phút, vớt ra, để ráo.
Thịt bị dính dầu hôi, hoặc thịt có mùi hôi, pha một ít trà thật đặc rồi ngâm miếng thịt khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó lấy ra rửa sạch.

Cũng có thể khử mùi hôi bằng cách nấu một xoong nước sôi, sau đó cho vài cọng rơm rồi cho thịt vào luộc tầm 5 phút, trước khi vớt thịt ra, thêm vào xoong nước một muỗng cà phê rượu trắng.

Cách xử lý mùi hôi của ruột heo: ruột heo nếu không biết cách làm sẽ có mùi hôi rất khó ăn. Để xử lý mùi hôi ấy, bạn hãy thực hiện một trong những cách sau:
 - Rửa ruột heo bằng nước sạch, để ráo, bóp với giấm, rượu, gừng, chanh, rồi bỏ vào nội luộc. Nước sôi, vớt ra rửa sạch rồi để ráo.
 - Ruột về lộn trái, lấy bột mì xát thật kỹ rồi xả với nước sạch vài lần.
 - Pha hỗn hợp: giấm ăn, phèn chua, cho vào ruột bóp kỹ, rửa bằng nước sạch.

Để không còn mùi gà, vịt khi nấu: gà, vịt dù làm sạch vẫn có mùi lông của nó, muốn khắc phục tình trạng này, bạn hãy dùng giấm hoặc muối thoa lên mình gà hoặc vịt khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch, để ráo, mùi lông sẽ biến mất.

Để kho cá ngon không tanh: để nồi cá kho ngon, không còn tanh mùi cá, khi kho hãy cho vào nồi một ít nước trà.

Khử mùi gây của dê: khi nấu nướng, bạn có thể cho vào nồi củ cải trắng có đục lỗ nhỏ.lúc ăn vớt củ cải bỏ đi, sau khi ăn nên dùng một tách trà.

Cách làm trắng dầu mỡ đã sử dụng: khi chiên, dầu mỡ thường bị cháy đen, để giữ cho dầu mỡ được trắng như chưa sử dụng, hãy cho vào vài miếng khoai tây sống.

Để không còn mùi tanh khi chiên thịt: đối với những loại thịt không còn tươi, thường có mùi tanh rất khó chịu khi chế biến. muốn khắc phục tình trạng này, bạn hãy bỏ vào bếp một cục đường, mùi đường khét sẽ đánh tan mùi tanh của thịt.