Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Cách bảo quản các loại đậu, hành, tỏi



Muốn để dành đậu phộng ăn được lâu
Bạn có thể làm theo hai cách sau:
 - Chọn những hạt già, khô, to, mang rửa sạch, vớt ra để ráo. Cho muối vào chảo rang, sau đó cho đậu vào. Đậu chín, đổ ra mâm phơi nắng, khi đậu đã thật khô cho vào keo, lọ đậy kín
 - Cho vài điếu thuốc thơm vào lọ đựng đậu rồi đậy kín, có thể giữ đậu được từ hai đến ba năm
Bảo quản các loại đậu như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ… thường rất dễ bị mọt, chỉ cần bạn cho vào lọ đựng đậu vài tép tỏi, mọt sẽ không dám bén mảng tới, có thể để dành được từ 2 – 3 năm
Bảo quản củ hành: để giữ củ hành lâu mà không sợ mềm úng, bạn chỉ cần để củ hành với vài lát bánh mì khô
Bảo quản tỏi:
Nếu tỏi còn cuống, cột tỏi lại thành chùm, treo nhơi thoáng mát
Lột vỏ, đổ dầu ăn lên, cho vào lọ thủy tinh, đậy kín, ăn được lâi
Bảo quản ớt
Để có thể giữ ớt được tươi lâu, có nhiều cách:
 - Ớt tươi, còn nguyên cuống vùi vào tro, sẽ giữ được ớt tươi mà không sợ hỏng
 - Chọn ớt chín, còn tươi, bỏ cuống, rửa sạch, để ráo, xăm bằng kim may, xếp vào keo, chế giấm pha chút muối, đường vào ngập ớt, cho vài tép tỏi đập dập

Làm cách nào để giữ bắp khô không bị sâu mọt?
 - Để bắp nguyên trái, lột vỏ túm về một đầu, phơi thật khô sau đó cột chùm lại, treo phía trên giàn bếp, khói bếp sẽ khiến sâu, mọt không dám đến gần
 - Tách rời ngô ra từng hạt, phơi thật khô, trải đều ra phên, dưới đặt một lớp trấu ít nhất 10cm và một lớp vôi bột, có thể để bắp được đến mùa sau

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Mẹo bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh


Phải làm gì trước khi cho thực phẩm vào tủ lạnh?
Muốn bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, cần chú ý những điều sau:
 - Tất cả các thực phẩm đều phải được đóng gói cẩn thận
 - Phải để nhiệt độ thích hợp cho từng loại thực phẩm
 - Thực phẩm động vật tươi sống phải được làm sạch, bỏ đầu, mang, ruột
 - Đối với thực phẩm đã rã đông, phải chế biến ngay, không nên cấp tái đông trở lại

Rau tươi bảo quản được bao lâu?
Rau tươi mua về, bọc kỹ trong giấy báo, đặt ở ngăn cuối cùng của tủ lạnh sẽ giữ rau tươi được từ 3 – 5 ngày

Bảo quản nấm: nấm để trần hoặc gói trong lá chuối, không đặt trong túi nhựa để tránh nấm bị chua  và khô, làm thế sẽ giữ nấm tươi được 3 – 5 ngày

Bông cải xanh, cả trắng còn tươi: hãy cho vào ngăn chứa rau, không bọc nilon, bông cải xanh giữ được 3 ngày, bông cải trắng giữ được 7 ngày

Cách bảo quản xà lách: xà lách rất khó bảo quản, chỉ vài giờ là héo. Nếu giữ cải thật khô, cho vào một tô nhựa đậy kín, để trong ngăn rau quả, sẽ giữ được 2 – 3 ngày

Để giữ hành lá, ngò, cần tươi lâu, hãy làm sạch chúng và cắt khúc, sau đó cho vào tô nhựa, đậy kín, đặt vào ngăn  chứa rau, sẽ giữ được 3 – 5 ngày

Cách bảo quản su hào: để có thể giữ su hào tươi nguyên trong vòng 1 tuần, nên chọn mua loại su hào mới hái, mang về cắt bỏ lá to, cho vào ngăn chứa rau quả

Cách bảo quản ớt Đà Lạt: cho ớt vào bao folic có lổ thủng, đặt ở ngăn rau, làm thế này có thể giữ ớt tươi được 1 tuần

Bảo quản cà tím: nên mua cà còn non, giữ ở nhiệt độ từ 10 – 13ºC (ngăn chứa rau) có thể giữ được 5 – 7 ngày

Bảo quản cà chua: cho cà chua vào ngăn rau quả, có thể giữ được 7 – 10 ngày

Để sả không bị vàng héo: khi mua sả về, rửa sạch, băm nhuyễn, cho vào bọc nilon hoặc hôp nhựa, cất trong ngăn đá. Trong vòng một tuần, sả vẫn giữ được mùi vị và màu xanh tươi
Bảo quản mướp: mua mướp còn nguyên cuốn, để cả vỏ, để vào ngăn rau có thể giữ mướp tươi được từ 5 – 7 ngày

Quả mơ giữ được bao lâu: nếu cho vào ngăn rau quả, quả mơ có thể giữ được từ 4 – 6 hôm

Cách bảo quản dâu tây:
 - Làm sạch dâu, để ráo nước, xay nhuyễn, bỏ vào ngăn đá
 - Hoặc trộn dâu với một ít đường cát rồi xếp vào khay, chỉ xếp một lớp, không xếp chồng lên, đặt vào ngăn đá. Khi muốn ăn, rắc thêm một lớp đường lên kay, đưa vào ngăn mát, sau đó lấy ra ăn

Cách bảo quản mận: mận mua về bọc vào giấy tẩm dầu, để vào ngăn rau quả, có thể giữ được từ 3 – 5 ngày

Cách bảo quản dưa hấu: dưa để nguyên trái hoặc có thể bổ dưa ra và đậy mặt dưa bằng một lớp folic, có thể giữ dưa tươi trong một tuần

Thời gian bảo quản dầu mỡ: dầu mỡ cho vào lọ, đậy kín miệng, giữ được một đến hai tuần

Đối với các thực phẩm tươi sống:
 - Tôm, cua, sò: giữ được 24 giờ, tốt nhất là nên làm cho chín, để nguội rồi cho vào ngăn đá, thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn
 - Thịt heo: giữ được từ 3 – 4 ngày, ướp đông giữ được trong 6 tháng
 - Thịt bò: giữ được từ 4 – 6 ngày, ướp đông giữ được trong 3 tháng
 - Gà, vịt: giữ được từ 2 – 3 ngày, ướp đông giữ được trong 9 tháng
 - : giữ được 24 giờ, ướp đông giữ được trong 2 tháng

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Lịch vạn niên - Xem lịch âm dương

Tháng
Năm 

Xem lịch âm dương 2016 về lịch ngày, lịch tháng, lịch năm, xem ngày tốt, ngày hoàng đạo, giờ hoàng đạo, tiết khí, xuất hành

Âm lịch 2015, lịch âm dương 2016, lịch âm

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Bí quyết chọn thịt ngon



Thịt bò: nên chọn loại thịt có màu đỏ tươi, thớ thịt khô mịn, mỡ màu vàng tươi. Khi mua, dùng móng tay bấm vào thịt, thịt mềm móng tay sẽ lún xuống. Tránh mua thịt có màu tái xanh, có nốt tròn ở giữa, hoặc thịt có mùi hôi, hoặc khi sờ vào thấy lạnh tay là thịt bò bệnh hoặc thịt cũ

Thịt trâu: màu hồng tái, thớ thịt to, mỡ trắng sáng, chớ không vàng như thịt bò
Thịt gà: ngon nhất là gà mái tơ, chưa đẻ, chân vàng, long mượt, xách nặng tay, ức đầy. Gà mái dầu là gà đẻ một lứa, to, mập cũng rất ngon.Còn có gà trống thiến, nấu nướng kiểu gì cũng rất ngon. Thịt gà mái ăn ngon hơn thịt gà trống, trừ gà trống thiến. Muốn ăn thịt gà trống nên chọn gà vừa biết gáy, còn gọi là gà trống giò

Thịt vịt: vịt trống ngon hơn vịt mái. Nên chọn những con vịt mỏ to, mềm, ức nhỏ, da cổ và da bụng dày, xách nặng tay và có đủ lông cánh. Muốn biết vịt mái hay vịt trống cứ nghe tiếng kêu của nó, vịt mái là vịt hay kêu, cẳng và đầu nhỏ hơn vịt đực

Để biết gà vịt có bị mắc bệnh hay không: khi mua nên vạch đít gà, vịt ra xem, nếu con nào bị ướt, kể cả lông xung quanh, sờ bầu diều thấy phồng to, nước mắt nước mũi chảy, đó là gà vịt bị bệnh không nên mua

Đối với gà, vịt làm rồi, nếu chúng bị bệnh sẽ có những đặc điểm sau: các đường huyết quản có màu đỏ tía, bắp thịt nhão, có màu tím đen, mỡ đỏ hay vàng, da rướm máu, lốm đốm máu hay màu vàng khè. Còn gà vịt khỏe mạnh thì thịt màu hồng sáng, mỡ trắng, thịt ở đùi gà co lên để hở xương ra

Thịt chim: thịt chim ngon phải là chim có ức to, da bụng dày, tròn đều như có mỡ
Thịt heo: da mỏng, màu tươi hồng, thớ thịt săn, mỡ trắng trong
Thịt heo bị bệnh: thường có màu tái xanh hoặc nâu sẫm, mỡ màu vàng, thịt nhão, đôi khi có đốm trắng như hạt gạo. không nên mua thịt heo bệnh để tránh bị ngộ độc

Thịt heo già hoặc thịt heo nái: thịt sẽ có da dày, lông cứng, mỡ ít, thịt nhão, có màu đỏ thắm, nấu rất lâu mềm, đoi khi còn có mùi hôi gắt rất khó chịu

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Cách gói bánh chưng hương vị Bắc ngày Tết

Bánh chưng là một phần không thể thiếu trong ngày tết ở Việt Nam. Để tạo ra một chiếc bánh vừa đẹp, vừa thơm ngon, cần đòi hỏi những nguyên liệu phù hợp và bàn tay khéo léo. Tuy nhiên cũng không quá khó để tạo ra một chiếc bánh ưng ý, nếu bạn làm theo hướng dẫn dưới đây.

Nguyên liệu chính để làm bánh chưng gồm có: Gạo nếp bắc, thịt lợn (thịt ba chỉ), đậu xanh, lá dong, lạt, gia vị

Chọn lá dong loại bánh tẻ (không quá già hoặc quá non), mỗi chiếc bánh cần 4 lá dong, sau khi lựa chọn xong, ngâm lá dong vào nước, rửa sạch và để ráo nước.

Ngâm gạo nếp ít nhất là 8 tiếng hoặc qua đêm, đãi sạch sạn, vớt ra để ráo nước.

Đậu xanh xay làm đôi, ngâm nước cho mềm, sau đó đãi sạch vỏ, hấp chín và xay nhuyễn

Thịt ba chỉ cắt miếng hình ô cờ, rửa sạch, ướp gia vị vừa ăn gồm muối, tiêu, hành củ, để 15 phút cho ngấm gia vị

Cách gói bánh:

Dùng một chiếc mâm rộng, xếp hai chiếc lá to song song, mặt không có gân hướng xuống dưới, sau đó xếp hai chiếc lá khác lên trên theo hình chữ thập, mặt lá không có gân hướng lên phía trên

Cho khoảng nửa kg gạo nếp lên trên lá, sau đó cho đậu xanh, thịt lợn, sau đó cho tiếp đậu xanh lên trên, cuối cùng là cho thêm nửa ký gạo lên trên nữa, sau đó cuộn 2 chiếc lá dong phía trên vào, bẻ hình vuông sắc cạnh, tiếp theo gói 2 chiếc lá dong bên ngoài vào, dùng lạt buộc lại cho chắc

Lưu ý: khi gói bánh phải gói chặt tay để khi luộc bánh mới chắc, dẻo và không bị thấm nước

Cách luộc bánh

Dùng một ít cuốn lá dong và lá nhỏ lót đáy nồi, sau đó xếp từng cặp bánh vào nồi, đổ nước ngập bánh, luộc từ 10 - 14 tiếng đồng hồ

Khi bánh chín, vớt ra, rửa sạch, để lên bàn, sau đó dùng tấm ván chèn lên, có thể chèn thêm một số vật nặng cho bánh rút nước.

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Lạ kỳ phong tục đón tết của người Thái

Về với Mộc Châu (Sơn La) dù mới cuối đông, nhưng dường như sắc xuân đã "gõ cửa" miền đất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Đến nơi đây, du khách không những được thỏa mình với hoa xuân và sương phủ, mà còn được đắm chìm với các phong tục của các dân tộc bản địa nơi đây. Với những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền mang đậm bản sắc riêng có của người Thái.

Không giống như một số dân tộc ít người khác, một năm thường có nhiều cái Tết, người Thái trên cao nguyên Mộc Châu chỉ ăn tết chung với Tết Nguyên đán của cả nước. Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Theo tập tục, người Thái bắt đầu ăn tết từ ngày 25 tháng Chạp Âm lịch cho tới hết mồng 10 tháng Giêng của năm mới.

"Độc, lạ"... cơm cúng tất niên

Ban ngày, trời Mộc Châu thường nắng nhẹ và se lạnh. Nhưng đêm đến, cái lạnh dường như "nặng đô" vì sương núi xuống. Không gì thích bằng việc được nhâm nhi rượu cần và ngồi nghe người già kể chuyện về tập tục đón tết xưa, nay.

Cũng như các dân tộc khác trên mọi miền đất nước, mâm cơm trong ngày Tết của người Thái được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Tuy nhiên, dù có thay đổi nhưng mâm cơm cúng tết của dân tộc Thái vẫn giữ được nét cầu kỳ riêng biệt.

Thầy mo bản Áng, Hà Văn Nhanh kể rằng, xưa kia mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá đồ, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, chuột khô, thịt hươu, nai khô, cơm cốm, măng khô... Riêng món thịt hươu, thịt nai thường có được nhờ săn bắn và chuẩn bị từ trước đó khoảng nửa tháng. Và theo phong tục xưa, đây là những món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng Tết.

 "Cỗ cúng có nhiều món lắm! Rất nặng, phải bê lên đặt xuống tới những 9 lần mới đặt được tới bàn thờ tổ tiên. Người Thái quan niệm, cỗ cúng tết phải đủ đầy, nhiều thịt, nhiều cá,... thì tiên tổ mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng no quanh năm" - ông Nhanh chậm rãi kể.

Theo tập tục, người Thái cúng tổ tiên từ 25 tháng Chạp tới hết ngày mùng 5 của năm mới. Xưa kia người Thái cúng tổ tiên bằng những sản vật săn bắn được, còn ngày nay dù không đổi nhiều nhưng cũng có vài điểm khác.

Vừa nhấp ngụm rượu cần, thầy mo Nhanh kể tiếp, "sau này, người Thái mới có tục gói bánh chưng và thường gói vào 29 Tết. Bánh chưng được gói thành hai loại đen và trắng. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn.

Ngoài ra, trước khi gói bánh thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Thường thì bánh chưng của dân tộc Thái ít dùng nhân bởi họ quan niệm, "hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong. Theo họ, đó là tinh hoa của thành quả lao động để dâng lên tổ tiên (ma nhà).



Tục đón giao thừa "Pông Chay"...

Tiếp lời thầy mo Nhanh, bà Đinh Thị Loan (vợ thầy Nhanh) vui vẻ kể lại, sau khi chuẩn bị tươm tất để đón Tết, người Thái sẽ cúng tất niên vào đêm 30. Người Thái có tục đón giao thừa "Pông Chay". Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bán rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.

Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm,... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu". Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên - bà Loan kể tỉ mỉ.

 Ngày nay, ở một số nơi tổ chức các hoạt động tập thể đêm giao thừa, có hoạt động văn hóa đã trở thành tập tục khá riêng biệt và độc đáo của người dân tộc Thái như hái hoa dân chủ. Hoạt động văn hóa này thường do đoàn thanh niên, có nơi do hội phụ nữ... tổ chức.

Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mùng 1 đầu năm, đó là tục đi lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi. Cả làng đi lấy nước nếu nhặt được đồ trong khi đi lấy nước thì họ cho là may mắn và vui mừng mang về nhà.

12 lễ hội đầu năm ở miền bắc không nên bỏ qua

Tháng Giêng là khoảng thời gian có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng là lúc người dân đi lễ hội đầu năm rất đông.



1. Lễ hội chùa Hương ngày 6/1 ở Mỹ Đức (Hà Nội)

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về và cũng là lễ hội dài nhất cả nước. Lễ hội Chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

Tuy nhiên, không đợi đến ngày khai hội, vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch rất nhiều người dân tứ phương đến trẩy hội từ sớm.

Được biết, giá vé lễ hội không thay đổi từ 2012 đến nay. Cụ thể, giá vé thăm quan là 50.000 đồng/khách và vé đò dọc từ 35 – 40.000 đồng/khách. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho khách, hạn chế sự quá tải trên thuyền, năm nay nhiều chủ thuyền đã thiết kế mô hình thuyền có ghế ngồi, mỗi thuyền chỉ chở tối đa 7 – 8 du khách.

Năm nay, đường dây nóng có khác mọi năm là việc công khai số điện thoại của trưởng ban tổ chức và phó ban thường trực tổ chức để nghe phản ánh của người dân khi tham gia lễ hội.

0912 588 905 (Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương) và 0913 327 430 (Phó ban Thường trực tổ chức Lễ hội Chùa Hương).

Theo dự đoán của BTC, lượng du khách trẩy hội năm nay có khoảng 1,5 triệu lượt khách (so với năm ngoái tăng 5 – 10%). Lượng du khách đông nhất vào tháng Giêng, sau ngày 19/2, lượng khách giảm và đến ngày 25/3 kết thúc hội.

2. Hội gò Đống Đa ngày 5/1 ở Hà Nội

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

3. Lễ hội đền Gióng ngày 6/1 (Sóc Sơn, Hà Nội)

Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm. Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời.

Lễ hội  diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng .

Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, HN) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Lễ hội Lim ngày 13/1 ở Bắc Ninh

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

 Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến.

Ngoài ra, có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm...

5. Lễ hội Yên Tử 10/1 ở Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ chính thức khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch tức 11/1 Dương lịch.

Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an còn có các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…

Đặc biệt nhất là sự tham gia của đồng bào dân tộc ít người quanh vùng núi Yên Tử và các vùng lân cận vào các hoạt động của lễ hội vừa làm phong phú cho các chương trình vừa gắn chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em.

Hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách.

5. Hội Xoan ngày 7/1 ở Phú Thọ

Diễn ra tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.

Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông.

Mồng 10 tháng Giêng diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn.

 6. Lễ hội Côn Sơn ngày 10/1 ở Hải Dương

Lễ hội Côn Sơn bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng. Chùa Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương) đã được đón khách thập phương đến lễ Phật và trẩy hội. Chính thức lễ hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng đến ngày 22 thì kết thúc.

 8. Lễ hội đền Trần ngày 12/1 ở Nam Định

Lễ hội ở đền Trần hay còn gọi là lễ Khai ấn đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Theo Ban tổ chức, năm nay 2014, lễ hội đền Trần sẽ diễn ra sớm hơn một ngày so với năm 2013 (năm 2013 lễ hội từ 15-17 tháng Giêng). Vào ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức ngày 13/1/2014 Dương lịch), Ban tổ chức sẽ tiến hành nghi lễ rước nước, tế cá. Đây cũng là năm đầu tiên lễ hội đền Trần có thêm 2 nghi thức này.

Sau khi thực hiện nghi lễ rước nước và tế cá, Ban tổ chức sẽ tiến hành các nghi lễ truyền thống của lễ hội đền Trần. Và lễ phát ấn cho nhân dân và khách thập phương bắt đầu từ 7h sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch (14/2). Ấn đền Trần sẽ được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

 9. Hội chùa Keo ngày 14/1 ở Thái Bình

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo.

Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa màu xanh bát ngàn của quê lúa Thái Bình.

Chùa thờ Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc Sư. Ngoài lễ Phật còn có các trò chơi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo...

 10. Lễ hội Bà chúa Kho ngày 14/1 tại Bắc Ninh

Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam.

Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".

Theo truyền thuyết, Bà Chúa Kho là người phụ nữ chịu khó, sau khi lấy vua nhà Lý, bà xin vua cho về vùng Vũ Ninh chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tổ chức sản xuất ở 72 trang ấp. Bà còn trông nom kho lương thực, bảo quản tốt quân lương trong và sau chiến thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1076. Khi Bà qua đời, mộ của bà được đưa về thôn Quả Cảm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) nơi bà sinh ra.

Còn ở các trang ấp đều có đền thờ. Tại xã Cổ Mễ, nhân dân làm đền thờ bà Chúa tại núi Kho, nên còn có tên là đền thờ bà Chúa Kho.

11. Hội Chùa Thầy ngày 5/3 ở Quốc Oai (Hà Nội)

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 đến 7-3 âm lịch. Đến với chùa Thầy, du khách được chiêm ngưỡng phong cảnh non nước hữu tình, thưởng thức các màn rối nước đặc sắc - một môn nghệ thuật truyền thống mà tổ sư của nghề không ai khác chính là Từ Đạo Hạnh truyền lại.

12. Hội đền Hùng ngày 10/3 ở Phú Thọ

Thời gian tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014 tiến hành từ ngày 06/3 đến ngày 10/3 (âm lịch). Đối với nghi thức phần lễ được tiến hành như những năm trước; phần hội tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Về miền quê di sản” tại Quảng trường Hùng Vương (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào tối 06/3 (âm lịch), được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của tỉnh và tiến hành bắn pháo hoa tầm thấp sau khi kết thúc chương trình biểu diễn.

Quá trình tổ chức các hoạt động hội phong phú, phù hợp với quy mô là năm lẻ, tập trung vào một số hoạt động chính như: Hội thi gói, nấu bánh chương và giã bánh giầy, Liên hoan hát Xoan, hội thi bơi Chải, triển lãm, tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng…

Về việc tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ được tiến hành vào lúc 18 giờ ngày 30/01/2014 (tức 30 Tết Nguyên đán) tại Đền Thượng – Khu di tích lịch sử Đền Hùng.